;
Làm thế nào có thể vừa quảng bá lòng từ bi lại vừa giết súc vật để ăn
Matthieu Ricard
*
Hoang Phong
chuyển ngữ
(ảnh Bruno Levy)
Nhà sư Matthieu Ricard
"Làm thế nào có thể vừa quảng bá lòng từ bi lại vừa giết súc vật để ăn?"
Lời phát biểu trên đây của nhà sư người Pháp Matthieu Ricard cũng là tựa của một bài phỏng vấn ông do tập san Thiên Chúa Giáo La Vie (Sự Sống) thực hiện ngày 07 tháng 10 năm 2014. Nhân ngày Quốc Tế Thực Phẩm 16 tháng 10 vừa qua, các cơ quan truyền thông
khắp thế giới thi nhau đưa ra các quan điểm về vấn đề trên đây, và tập san La Vie cũng đã phát hành một số đặc biệt với chủ đề ăn chay, trong đó có bài phỏng vấn nhà sư Matthieu Ricard. Bài phỏng vấn này cũng đã được trang web Phật Giáo Buddhachannel giới thiệu: http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article23824.
<<<<(ảnh) Nhà sư người Pháp Matthieu Ricard.
Quyển sách mang tựa đề Bênh vực cho lý tưởng vị tha (Plaidoyer pour l' Altruisme, nxb Nil Eds, 2013, 917 tr.) của nhà sư Matthieu Ricard phát hành ngày 18 tháng 9, 2013 đã gây ra một tiếng vang rất lớn. Ngày 03 tháng 10, 2014 ông lại cho phát hành thêm một quyển sách khác mang tựa Bênh vực cho loài thú vật (Pladoyer pour les animaux, nxb Allary Eds, 2014, 370 tr.). Lợi nhuận của tất cả các sách của ông từ trước đến nay đều được sung vào quỹ từ thiện của tổ chức Karuna Schechen do ông sáng lập nhằm xây dựng và điều hành nhiều bệnh viện, trường học, viện mồ côi,... tại nhiều nơi trong vùng bắc Ấn và xứ Nepal. Các sách của ông cũng được đưa lên mạng và mọi người có thể tải xuống miễn phí. Riêng phần mình thì ông cũng từng cho biết là mỗi ngày ông chỉ cần vài Âu kim cho việc ẩm thực là cũng đủ.
Quyển sách Bênh vực cho lý tưởng vị tha
Quyển sách Bênh vực cho loài thú vật
Là một người tu hành Phật Giáo, ông ăn chay từ 47 năm nay. Trong quyển sách Bênh vực cho loài thú vật ông không ngần ngại lên án các lò sát sinh các kỹ thuật săn bắt và chăn nuôi thật quy mô và khoa học, tất cả đã tạo ra không biết bao nhiêu đau thương cho loài súc vật. Mỗi khi trông thấy chúng ta vuốt ve các con chó hay các con mèo thì ông thường tự hỏi tại sao lòng từ bi ấy của chúng ta lại vụt biến mất đi mỗi khi chúng ta nhìn thấy những miếng thịt bày ra trong đĩa thức ăn của mình. Thật vậy, trong cuộc sống thường nhật nào có mấy khi mà chúng ta ý thức được thái độ mâu thuẫn ấy của chính mình?
Dưới đây là bản dịch cuộc phỏng vấn nhà sư Matthieu Ricard do nữ ký giả Elisabeth Marshall thực hiện tại một quán ăn chay ở thành phố Bruxelles nước Bỉ.
Làm thế nào có thể vừa quảng bá lòng từ bi lại vừa giết súc vật để ăn
(Comment prêcher la compassion et tuer pour manger)
Matthieu Ricard
- Mọi người đều biết ông là một người thật nhân từ, thế nhưng vì lý do nào mà hôm nay ông lại cho thấy mình còn là một người bạn của loài súc vật?
- Thái độ đó không nhất thiết phát sinh từ sự yêu quý súc vật quá đáng, mà đúng hơn là một cung cách hành xử khi nào đã ý thức được các mối dây liên hệ giữa chúng ta và các chúng sinh có giác cảm khác, và nhận thấy được những sự khổ đau mà chính chúng ta đã gây ra cho chúng. 60 tỉ sinh vật bị sát hại hàng năm trên hành tinh này. Con người đã biến súc vật thành những thứ hàng hóa tiêu dùng, và xem chúng là những bộ máy cơ khí sản xuất các khúc xúc xích đủ loại. Thật ra thì đấy cũng chỉ là cách mang lại tai hại cho tất cả, trước hết là cho loài súc vật và sau đó là cho cả loài người chúng ta. Đấy là cách mà chúng ta tự nghiền nát lương tâm đạo đức của mình, làm phương hại đến sức khỏe của mình và hủy hoại cả môi trường sống trong tương lai.nguoiphattu.com
Chúng ta từng đạt được thật nhiều tiến bộ quan trọng trên phương diện nhân quyền, thế nhưng trên một bình diện khác thì chúng ta lại biến súc vật thành những món hàng hóa tiêu dùng. Chúng ta thường quên mất là súc vật cũng biết đau đớn và sợ hãi, và chúng cũng có quyền được sống như chính chúng ta. Tôn trọng quyền hạn đó không phải là một hình thức "nhân phẩm hóa" súc vật mà chỉ là một cách trải rộng lòng thương cảm của mình đến tất cả chúng sinh. Mỗi lần nghĩ đến loài chim barge rousse (tên khoa học là Limosa lapponica, tiếng Anh là bar-tailled godwet, là một loài chim di trú, sống trong các vùng cỏ hoang bắc cực và bay đến các vùng Á Châu, Úc Châu và Phi Châu để tránh mùa đông) có thể bay xa hàng 10.000 cây số bằng cách định hường nhờ vào vị trí của các vì sao trên trời, và trong khi đó thì tôi vẫn cứ thường hay đi lạc trong các đường phố Paris, thì tôi lại hiểu rằng loài chim ấy có những phẩm năng mà tôi không hề có được. Vì thế thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên khiêm nhường một chút!
Chim Limosa lapponica
- Con người từ nguyên thủy không ăn thịt. Vậy có phải là ông chủ trương nên quay về với bối cảnh của các thời kỳ sơ khai với các mối tương quan khác hơn giữa con người và muông thú: có nghĩa là trở về với lối sống bằng cách nhặt hái hoa quả, trước khi chuyển sang cách sống bằng chăn nuôi hay không?
- Đối với giống người Australopithecus (người tiền sử sống cách nay từ 4,5 đến 1 triệu năm trước thời hiện đại) thì 83% thức ăn của họ là hoa quả. Không mấy khi họ ăn thịt, các trường hợp này thật hiếm hoi và chỉ xảy ra vào những dịp khi họ tìm thấy xác chết của một con vật. Tiếp theo đó là một thời kỳ thật dài của giống người Neanderthal (sống cách nay khoảng từ 250.000 năm đến 28.000 năm) chuyên ăn thịt. Sau đó con người băt đầu sống định cư: canh nông và chăn nuôi phát triển. Gần đây hơn, tức là cách nay khoảng từ 3.000 đến 4.000 năm, con người bắt đầu thuần hóa thú rừng để biến chúng thành gia súc: chẳng hạn như chó sói, ngựa, dê và sau đó là mèo ở Ai Cập. Giai đoạn biến thú rừng thành gia súc đã làm thay đổi hẳn mối tương quan giữa con người và súc vật. Thật hết sức lạ lùng, cũng vào thời kỳ này đã phát sinh ra chế độ nô lệ trong vùng lãnh thổ của dân tộc Samur (sống cách nay vào khoảng 4.000 đến 3.000 năm trước Tây Lịch trong một vùng nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrate thưộc lãnh thổ Iraq ngày nay)! Các biến chuyển trên đây đã làm nảy sinh raý nghĩ cho rằng con người có quyền khai thác các chúng sinh khác (súc vật và cả con người) nhằm mang lại lợi nhuận cho mình. Đấy chính là quá trình làm hạ phẩm giá kẻ khác (con người và súc vật).
- Phải chăng từ trước nay tình trạng đó chưa hề xảy ra trong các xã hội sơ khai?
- Tất nhiên là không. Những người tiền sử kể cả những người thuộc các bộ lạc sinh sống bằng cách săn bắt và nhặt hái còn tồn tại đến nay trong các vùng Amazon (các vùng rừng rậm Nam Mỹ) tuy cho rằng súc vật khác với họ, nhưng không hề xem chúng là thấp kém hơn họ. Hơn nữa đối với họ thú vật còn là hiện thân của các loài ma quỷ mà họ khiếp sợ, hoặc đội lốt các thần linh mà họ tôn thờ, lý do là vì các con thú ấy có những sức mạnh mà họ không sao bì kịp. Chúng ta đều biết là các lực sĩ thượng thặng giỏi lắm cũng chỉ lội nhanh bằng một con cá chép, hoặc chạy nhanh bằng một con mèo là cùng... Con người sinh sống trong các tập thể xã hội biến thú rừng thành gia súc đã gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho chúng. Nhằm bảo đảm sự an toàn đạo đức cho mình và tránh các sự bất an trong tâm trí mình, con người đã hạ phẩm giá súc vật để biện minh cho cung cách hành xử ấy của mình. Họ đánh giá súc vật là những loài thấp kém và vô cảm hầu có thể ăn thịt chúng một cách thản nhiên.
- Quan điểm ấy của ông có quá khắt khe đối với các triết gia Hy Lạp và những người Thiên Chúa Giáo hay không, bởi vì họ không hề cảm thấy tội lỗi mỗi khi tạo ra khổ đau cho súc vật?
- Hầu hết các tôn giáo độc thần đều xem súc vật như một thứ tài vật được tạo ra cho con người sử dụng vào việc ẩm thực hoặc tha hồ khai thác: không ăn thịt súc vật là thái độ khinh thường tặng phẩm mà Trời đã ban cho mình. Tuy nhiên trong số họ cũng có những người không ăn thịt, thế nhưng lại nêu lên các lý do chẳng hạn như muốn giữ sự thanh đạm, hoặc e sợ bị trừng phạt, hoặc vì thịt của một số loài vật nào đó bị ô nhiễm nên không được phép ăn (người theo Thiên Chúa Giáo không ăn thịt vào ngày thứ sáu, người theo Hồi Giáo không ăn thịt heo, người theo Ấn Giáo không ăn thịt bò..., các hành động ấy chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, không phải vì sự thúc đẩy của lòng từ bi). Dầu sao trên dòng lịch sử cũng có những trường hợp ngoại lệ nói lên được lòng thương cảm đối với súc vật: chẳng hạn như đối với Thiên Chúa Giáo thì có Thánh Jean Chrysostome (St John Chrysostom) và Thánh Jean-François d'Assise (St Francis of Assisi), và vào các thời kỳ cổ đại của Hy Lạp thì có Ovide và Plutarque (Plutarch), là những người đã tích cực quảng bá việc ăn chay. Théodore Monod(1902-2000, một nhà khoa học thiên nhiên nổi tiếng của Pháp) thuật lại câu chuyện sau đây về một vị thầy soufi (sufi) (một đường hướng tu tập mang tính cánh thần bí trong Hồi Giáo) người Ma-rốc - thật ra thì cũng chỉ là một trường hợp ngoại lệ đối với Hồi Giáo. Trong khi đang thuyết giảng vị thầy này trông thấy một con chim sẻ từ tổ rơi xuống đất, ông bèn sai các đồ đệ hãy nâng lấy kẻ mà ông xem như "đồng loại" với mình. Thiết nghĩ đối với thuật ngữ "đồng loại" trên đây có lẽ ngoài ông ta ra chưa có một nhà nhân bản (humanist) nào dám nói lên. Sau hết chúng ta cũng không nên quên là có 450 triệu người dân Ấn ăn chay, và đây cũng là một tập thể nhân loại ăn chay đông đảo nhất thế giới, trong số họ dẫn đầu là những người theo đạo Ja-in (Jainism/hình thành và phát triền cùng một thời kỳ với Phật Giáo và cũng mang một vài đường nét giáo lý gần với Phật Giáo), họ tuyệt đối tôn trọng tất cả mọi hình thức của sự sống. Vào thế kỷ XVII chính những người du hành Tây Phương lần đầu tiên đã khám phá ra nền văn minh biết kính trọng súc vật của nước Ấn.
- Nhân danh nền đạo đức nào mà Phật Giáo không chấp nhận việc ăn thịt?
- Thật hết sức đơn giản, chỉ vì lòng từ bi. Chúng ta không thể nuôi sống mình bằng sự đau đớn và cái chết của các sinh vật có giác cảm khác. Trong một bài kinh Phật có một câu như sau: "Ăn thịt là hủy hoại lòng từ bi bao la". Dầu sao cũng có một vài ngoại lệ khá tế nhị: chẳng hạn như đối với Phật Giáo Tiểu Thừa (Theravada), người tu hành không được phép giết một con vật để ăn, hoặc để cho người khác giết cho mình ăn. Trong khi đó đối với Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) thì phải phát nguyện lòng từ bi một cách đích thật: tức không được phép biến thân xác mình thành một nghĩa trang. Vì thế các nhà sư Trung Quốc đều nhất loạt ăn chay (bởi vì hầu hết trong số họ đều tu tập theo Phật Giáo Đại Thừa). Ở Tây Tạng vào các thời kỳ xa xưa không có đường xá lưu thông, sữa và sữa chua chỉ đủ dùng khoảng ba tháng trong năm, ngoài ra thì chỉ có bột lúa mạch, bơ và thịt khô: do đó việc ăn chay là cả một sự khổ hạnh! Ngày nay việc nấu nướng trong các chùa chiền Tây Tạng trên đất Ấn không còn dùng thịt nữa. Ở Nepal tôi lưu ngụ trong một tu viện gồm khoảng 600 nhà sư, việc ăn chay không nhất thiết bắt buộc, thế nhưng những người lo việc bếp núc không mua và cũng không sử dụng thịt, với mục đích không tiếp tay vào việc buôn bán thịt. Một nửa các nhà sư đã trở thành những người chay lạt.
- Phải chăng đấy cũng chính là sự lựa chọn của cá nhân ông?
- Đúng thế và cũng đã từ 47 năm nay rồi! Tất cả các vị thầy của tôi cũng vậy. Đối với tôi điều ấy thật hết sức hiển nhiên, bởi vì làm thế nào lại có thể vừa quảng bá lòng từ bi lại vừa giết súc vật để ăn? Ngày nay khoa học đã chứng minh cho thấy là việc ăn thịt không phải là một nhu cầu cần thiết. Nhiều lực sĩ thế vận hội, chẳng hạn như lực sĩ chạy bộ Carl Lewis không hề ăn thịt. Cho rằng phải hấp thụ các chất đạm động vật thì mới có thể sinh tồn được là một ý niệm sai lầm. Ngoài ra tôi còn nhận thấy tuổi trẻ ngày nay cũng rất nhiệt tình trong việc ăn chay với mục đích bảo vệ môi sinh. Bớt ăn thịt không những chỉ vì lý do đạo đức mà còn là một cách giữ gìn sức khỏe và làm giảm bớt sự biến đổi môi sinh. Xu hướng chung ngày nay là bớt ăn thịt, tức có nghĩa là không cần phải ăn chay một trăm phần trăm. Tôi xem xu hướng ấy là cả một sự tiến bộ của nền văn minh con người. Cách nay 300 năm, người ta còn công khai tra tấn người ở những nơi công cộng, hoặc kéo nhau đi xem hành quyết vào các ngày chủ nhật, cứ tương tự như ngày nay rủ nhau đi xem bóng đá. Quả là một cuộc cách mạng thật ngoạn mục trên phương diện tình thương và sự kính trọng những sinh vật khác, và xu hướng này vẫn còn tiếp tục. Ở Hoa Kỳ, quê hương của những kẻ chăn bò (cowboys) và những tay thợ săn, chỉ có 4% dân chúng là ăn chay, thế nhưng trong môi trường đại học số sinh viên ăn chay lên đến 20%. Ở Pháp số người ăn chay ngang hàng với số người săn bắn(săn bắn phải có giấy phép, đóng niên liễm, rồi thì thú săn, mùa săn, số thú bị giết... đều được nhà nước quy định mỗi năm, do đó các con số thống kê rất chính xác).
- Phải chăng khái niệm cho rằng "chúng sinh có giác cảm"* tất phải sớm được đưa vào Bộ Luật Dân Sự?
*(chúng sinh có giác cảm/êtres sensibles, êtres animés/sentient being, living being, tiếng Phạn là satva hay sattva, chữ sat hay satva trong tiếng Phạn có nghĩa là chúng sinh/being hay là sự "hiện hữu"; tiếng Pa-li là satto hay satta có nghĩa là "being creature" hay "satient being" là một thuật ngữ chỉ chung súc vật và cả con người, thí dụ như chữ bodhisattva là "người" bồ-tát hay là "người" giác ngộ. Kinh sách gốc Hán ngữ dịch chữ sattva/satta là "chúng sinh hữu tình", cách dịch này không được sát nghĩa lắm - nếu không muốn nói là sai hay "vô nghĩa". Thí dụ một con sâu cảm nhận được sự đau đớn cũng là một chúng sinh như chúng ta, nhưng không nhất thiết và bắt buộc là nó cũng phải "hữu tình" như chính chúng ta. Các sinh vật ở các mức độ tiến hóa thấp cũng cảm nhận được sự đau đớn dù không đủ sức phát lộ được các xúc cảm bấn loạn tương tự như một số các loài sinh vật ở các cấp bậc tiến hóa hơn. Lòng từ bi Phật Giáo phải trải rộng ra đối với tất cả chúng sinh, không cần phân biệt là chúng có "hữu tình" hay không).
- Hầu hết các nước Âu Châu đã đưa khái niệm này (tức công nhận "súc vật cảm nhận được sự đau đớn") vào các bộ luật của họ. Điều này cho thấy rằng khoa học ngày nay đã chứng minh được là thú vật cũng nhận biết được sự đau đớn. Đối với người Phần Lan thì súc vật còn hàm chứa cả tri thức (consciousness) nữa! Ở Pháp ngày 14 tháng 4, 2014 vừa qua, Ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội đã thừa nhận súc vật được hưởng quy chế "chúng sinh mang khả năng cảm nhận" (êtres vivants doués de sensibilité"/living being endowed with sensitivity), điều đó cũng phù hợp với quan điểm chung của đại đa số quần chúng trên đất Pháp ngày nay. Thế nhưng trên thực tế vẫn chưa thấy một sắc luật nào được đưa ra nhằm áp dụng quy chế ấy đối với súc vật. Lý do là các thủ tục vận động trong chiều hướng này đều bị phe chống đối (bảo thủ) tìm cách chận đứng... Tôi cảm thấy thật bàng hoàng trước tình trạng đạo đức hết sức nghịch lý (giả dối) đó của xã hội chúng ta (tức nước Pháp) đối với súc vật!nguoiphattu.com
- Có phải chính ông đã từng nêu lên sự nhận xét là không mấy ai ý thức được sự liên hệ giữa một miếng cốt-lét và những nỗi đớn đau của một con bê hay không?
- Điều này cũng tương tự như một thứ bệnh tâm thần. Trong dân chúng Pháp chỉ có 14% chống lại việc chăn nuôi súc vật để lấy thịt, 65% cảm thấy xao động khi trông thấy cảnh mổ giết gia súc. Các lò sát sinh được che dấu kín đáo! Chưa bao giờ cuốn phim Terriens* nêu lên kỹ nghệ giết mổ súc vật trong các lò sát sinh được trình chiếu trên màn ảnh truyền hình, lý do là không muốn làm cho các lứa tuổi còn quá trẻ phải bị "xao động".
* (Tựa tiếng Anh của bộ phim này là Earthlings, có nghĩa là "Thế Gian" hay "Cõi Ta-bà", và cũng có thể dịch là "Con người của thế gian này", là một bộ phim tài liệu của Mỹ do Shaun Monson thực hiện năm 2005. Độc giả có thể xem trên Youtube:
Tiếng Việt: http://www.vietnamanchay.com/2010/05/phim-tai-lieu-chung-sinh-ia-cau.html
tiếng Anh: https://www.youtube.com/watch?v=ibuQ-J04eLQ
tiếng Pháp: https://www.youtube.com/watch?v=Yqa2Pj_HMyI.
Hàng trăm trang web trên khắp thế giới đã giới thiệu bộ phim này với nhiều đoạn khác nhau).
Ngoài ra người ta còn nhận thấy 50% học sinh ở các lớp tiểu học tại thành phố Chicago (nơi thực hiện cuộc thăm dò) không đủ sức hình dung được là miếng thịt kẹp trong ổ bánh mì hamburger của chúng có liên hệ gì với một con thú trên thực tế hay không. Miếng thịt ấy từ đâu mà có? Trong các siêu thị! Trước khi đưa vào siêu thì nó từ đâu ra? Từ các cơ xưởng kỹ nghệ! Dù có giải thích cho chúng biết đấy là thịt của một con vật thì nhất định chúng sẽ không tin. Đấy chính là tình trạng mâu thuẫn thật tiêu biểu của những con người sống trong các xã hội tôn thờ thú vật trong nhà (chó, mèo...), lòng từ bi của họ sẽ biến mất ngay mỗi khi họ trông thấy một đĩa thức ăn hiện ra trước mặt mình. Trong năm vừa qua có một người chơi trò ném mèo vào tường để quay phim. Giới truyền thông làm ầm lên và nhiều người đã bày tỏ sự phẩn nộ của mình. Người ném con mèo vào tường bị đưa ra tòa, con mèo được cứu sống (chỉ bị gãy một chân), quả là một điều đáng mừng (thật ra câu chuyện đã xảy ra vào ngày 31 tháng giêng 2014 vừa qua tại miền nam nước Pháp, 60.000 người ký tên bày tỏ sự bất nhẫn của mình trên Facebook. Tòa án xử phạt người này một năm tù giam. Gần đây hơn vào đầu tháng 5 vừa qua có một người giết một con mèo bằng cách cho nó vào máy giặt nóng 40°C. Người này bị đưa ra tòa và lảnh án 3 tháng tù giam, 1.300 Âu kim tiền phạt và 10 năm không được nuôi súc vật trong nhà. Vậy chúng ta sẽ nghĩ gì khi trông thấy nhan nhãn các quán "cầy tơ và tiểu hổ", tức là các quán thịt chó và thịt mèo? Phải chăng đấy là cái đỉnh thấp nhất của trí tuệ hay chăng?). Thế nhưng có được mấy ai cảm thấy xúc động khi biết rằng trong cùng một ngày hôm ấy 500.000 con vật bị giết trong các lò sát sinh - nhiều hôm riêng số heo bị giết cũng đã lên đến 1.000 con mỗi giờ - với các phương tiện giết mổ thật vô cùng tàn nhẫn.
- Vậy có một phương pháp chăn nuôi súc vật lấy thịt nào có thể gọi là mang tính cách đạo đức hay không?
- Nhất định là có: một con bò mẹ cùng với bò con thong dong gặm cỏ trên một cánh đồng của vùng Dordogne chẳng hạn(một vùng thuộc tây nam nước Pháp, nơi có nhiều đồi và thung lũng), như thế có phải là một nghìn lần nhân đạo hơn là nhốt riêng một con heo nái trong một chiếc chuồng làm bằng thanh sắt để nó khỏi đè bẹp hai mươi lăm con heo con mới sinh? Đấy là cách phải chăn nuôi gia súc để giết thịt, tương tự như nuôi các con vật yêu quý trong nhà thế thôi (trong nguyên bản là "nuôi các con Blanchette và Roussette để giết thịt". Blanchette và Roussette là các tên gọi thông thường và dễ thương được dùng để đặt tên cho các con vật nuôi trong nhà hay trong vườn để làm bạn với người: chẳng hạn như mèo, thỏ, gà, dê con... Sở dĩ nêu lên các chi tiết này là để cho thấy cách viết và diễn đạt của nhà sư Matthieu Ricard đôi khi rất ý nhị, tình cảm và rất khó dịch. Ngoài ra câu trả lời trên đây của ông cũng thật khéo léo và kín đáo: có thể chăn nuôi súc vật để lấy thịt nhưng vẫn phải kính trọng sự tự do và tình mẫu tử của chúng, và nhất là phải yêu thương chúng như những con vật làm bạn với mình trong nhà. Thế nhưng khi đã yêu thương chúng và gọi chúng bằng những cái tên thật dễ thương thì làm thế nào lại có thể giết mổ chúng để ăn?).
- Thế nhưng người ta vẫn có thể chống lại quan điểm ấy khi cho rằng các công cuộc vận động nhằm bảo vệ nhân quyền mang tính cách khẩn thiết hơn?
- Những kẻ nêu lên luận cứ ấy thường không hề tỏ ra tích cực trong việc bảo vệ con người cũng như súc vật! Hiện nay tôi đang tham gia vào khoảng 140 dự án nhân đạo, thế nhưng việc chăm lo cho súc vật không hề làm cho tôi mất thêm một giây phút nào (chỉ cần đơn giản ăn chay cũng đã là cách yêu thương và chăm lo cho súc vật, nào có cần phải chạy ngược chạy xuôi đâu). Quả hết sức lạ lùng mỗi khi nhìn vào lịch sử người ta đều nhận thấy những người từng tranh đấu cho nhân quyền cũng là những người đã đứng lên để bảo vệ súc vật. Chẳng phải Tolstoï (1828-1910, đại văn hào người Nga), Shelley (1987-, nữ diễn viên màn ảnh và hoa hậu trẻ của Mỹ năm 2004) và Théodore Monod là những người ăn chay và rất nhiệt tình với lý tưởng bảo vệ súc vật hay sao? Lòng từ bi không có một biên giới nào cả! Nào có ai ngăn cản được một người khi đã quyết tâm tự biến cải mình để trở thành một con người tốt đâu, và cũng chẳng có ai dám bảo rằng sự quyết tâm ấy lại không phải là một cách biểu lộ cao quý nhất của bản chất con người?
H.1 Léon Tolstoï: H.2- Shelley Hennig; H.3 Théodore Monod; H.4 Carl Lewis
Họ là những người ăn chay
Bures-Sur-Yvette, 31.10.14
Hoang Phong chuyển ngữ