;
Lịch sử dân tộc Việt Nam không tách rời với Lịch sử Phật giáo bởi Phật
giáo đã du nhập, đã được tiếp biến cùng các yếu tố văn hóa bản địa cũng
như cốt cách Việt từ thuở Hùng Vương dựng nước và đồng hành với dân tộc ta cho mãi đến hôm nay.
Việt Nam, xứ sở của sự giao thoa các trào lưu tư tưởng nhưng vẫn khẳng định một nền văn minh mang tính đặc thù dân tộc. Đạo Phật Việt Nam chung hưởng hai suối nguồn Phật giáo lớn là Ấn Độ và Trung Hoa bên cạnh nền văn hóa bản dân tộc. Đạo Phật tại Việt Nam đã được bản địa hóa để mang một phong cách riêng đậm dấu ấn dân tộc của người Việt.
Trong suốt chặng đường lịch sử, vào giai đoạn triều đại Lý – Trần, Phật giáo đã phát triển rực rỡ và đóng vai trò là quốc đạo. Được củng cố nền tảng một cách mạnh mẽ kể từ buổi đầu độc lập của triều đại nhà Lý, cho đến giai đoạn nhà Trần, Phật giáo đã đạt được những thành tựu vượt bậc và vô cùng quan trọng. Tình hình Phật giáo hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới vẫn không ngừng đạt được những bước tiến và thành tựu lớn lao.
Tại Việt Nam nói riêng, cho đến nay có rất nhiều vị thiền sư liễu ngộ, có công hạnh cũng như đạo hạnh vượt bậc. Số lượng chùa chiền tăng đáng kể tại tất cả các vùng miền, tỉnh thành. Những vị tu sĩ xuất gia cũng như cư sĩ tại gia tăng cao. Đạo Phật lan tỏa và thấm sâu trong lòng đời sống dân tộc. Đó là bởi Phật giáo đã tạo được thế đứng và được phát triển từ một nền tảng vững vàng trong lịch sử.
Bắt đầu từ triều đại nhà Lý, lịch sử của dân tộc Việt Nam được xem như một mốc son đánh dấu bước ngoặt căn bản trong sự hình thành, phát triển hệ tư tưởng văn hóa tâm linh và có ảnh hưởng lớn cho đến ngày nay. Dân tộc ta dưới thời Lý đã có một quá trình tiếp biến văn hóa độc đáo. Đặc điểm nổi bật của hệ tư tưởng tín ngưỡng thời kỳ này chính là vương triều Lý đã chú trọng phát triển đạo Phật với sự tiếp nhận từ luồng tư tưởng mới từ Ấn Độ, Trung Hoa kết hợp cùng các yếu tố nội sinh từ văn hóa bản địa.
Trong cuốn sách Lý Thường Kiệt, tác giả Hoàng Xuân Hoãn viết: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật.”
Nếu ai đó đã từng đọc bộ tiểu thuyết lịch sử Tám Triều Vua Lý và Bão Táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, dù chưa đọc qua lịch sử Phật giáo Việt Nam, hẳn cũng sẽ có cái nhìn tương đối bao quát với phong vị cuộc sống dân tộc đậm chất từ bi thuần thiện của Phật giáo đương thời.
Ta có thể thấy vai trò vô cùng lớn của Đạo Phật đến tư tưởng văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc. Triều đình nhà Lý đề cao đời sống tâm linh và đạo đức. Các vị quốc sư không chỉ mang ý nghĩa là cố vấn chính trị mà quốc sư còn là vị thầy dạy đạo và đạo Phật chính là biểu trưng cho đường lối tâm linh của một dân tộc.
Triều đình nhiều lần tổ chức các đợt độ tăng, khảo hạch tăng sĩ. Nhân dân được khuyến khích xuất gia. Giai đoạn này cũng là giai đoạn phát triển mạnh hệ thống các chùa chiền từ kinh đô do vua quan lập đến các ngôi chùa làng do dân xây dựng. Kinh điển bắt đầu từ giai đoạn này cũng được quy tập, in chép có quy mô.
Tinh thần nhập thế và sự dung hợp những luồng tư tưởng tín ngưỡng trong xã hội trở thành một yếu tố quan trọng cho việc xây dựng một con đường tâm linh chung của dân tộc từ giai đoạn này trở về sau. Các vị thiền sư vừa giúp triều đình ổn định chính trị, giữ yên xã tắc, một mặt lại tham thiền liễu ngộ, dạy đạo, dạy chữ cho dân. Do đặc điểm của buổi đầu độc lập, triều đình lấy từ bi làm nền tảng cho đường lối chính trị, Phật giáo phát triển mạnh dẫn đến sự hình thành và phát triển rực rỡ của các tông phái. Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường là những hệ phái điển hình thời bấy giờ.
Trong thời kỳ đầu, Phật giáo và các thiền phái phát triển đa sắc. Đây cũng chính là biểu hiện cho sự tổng hòa của Thiền – Tịnh – Mật nhưng cũng không tách rời khỏi những yếu tố văn hóa bản địa của nho giáo và đạo giáo, dù những biểu hiện này chưa thực sự cụ thể cho đến đời Trần sau này. Bên cạnh đó là ảnh hưởng không nhỏ từ nền tảng của tín ngưỡng thờ Phạm Thiên, Đế Thích của Hindu giáo. Các bảo vật trấn quốc và các vị thần trấn yểm như An Nam Tứ Đại Khí, thần Tứ Trấn Thăng Long; các buổi lễ cầu đảo giữ vai trò quan trọng.
Để các tri thức Phật giáo thấm sâu và lan tỏa rộng rãi vào quần chúng nhân dân, tinh thần nhập thế, sử dụng những yếu tố tín ngưỡng vốn có kết hợp với xiển dương Phật pháp là một khuynh hướng cần thiết và quan trọng.
Tôi thường giới thiệu với quý vị Phật tử và bạn bè thân hữu cuốn sách quý “Nghiên cứu về thiền uyển tập anh” của thiền sư Lê Mạnh Thát. Đây là công trình nghiên cứu thiết thực, quan trọng và vô cùng quý giá của thiền sư Lê Mạnh Thát. Lịch sử dân tộc Việt Nam không tách rời với Lịch sử Phật giáo bởi Phật giáo đã du nhập, đã được tiếp biến cùng các yếu tố văn hóa bản địa cũng như cốt cách Việt từ thuở Hùng Vương dựng nước và đồng hành với dân tộc ta cho mãi đến hôm nay.
Với những thông tin cơ bản, cốt yếu và ngắn gọn, súc tích của Phật giáo chủ yếu thuộc giai đoạn từ nhà Lý đến đầu đời Trần và sự phân tích sáng rõ, sâu sắc, chúng ta sẽ hiểu được và tự hào biết bao về cha ông mình. Nếu như ở Tây Tạng, dòng tái sinh Đạt Lai Lạt Ma bắt nguồn từ vị đầu tiên là Gendun Drupa (1391 – 1475), người đã nguyện rằng sau khi chết sẽ tái sinh để hoàn tất những gì còn dang dở thì ở Việt Nam, trước đó hơn 200 năm, tức vào năm 1116, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã hiện thực lời tiên tri về sự đầu thai chuyển kiếp của mình trở thành vua Lý Thần Tông. Chư vị thiền sư tu hành liễu ngộ hầu như đều để lại các bài kệ thị tích và ra đi bằng cách nhập định hoặc để lại thất bảo rất an nhiên.
Năm 1034, hai thiền sư Bảo Tánh, Minh Tâm vì lòng kính ngưỡng và sự cảm ngộ từ Kinh Pháp Hoa, chư vị đã nguyện nhập đại định vào Hỏa Quang Tam muội mà tự thiêu thân mình thành bảy báu. Năm đó, vua Thái Tông đã sớm nghe tin và mời hai sư về giảng kinh trước khi các ngài phóng hỏa quang tam muội tự thiêu trước triều đình và dân chúng. Xác thân đều hóa thành thất bảo và tên hiệu của đất nước được vua cải nguyên Thông Thụy, lại dựng tháp thờ hai vị thiền sư…
Kể vài chi tiết như vậy không phải để so sánh, mà chỉ để thấy, lịch sử dân tộc Việt Nam mình cũng như lịch sử Phật giáo đều rất đáng tự hào. Chúng ta đã có một nền tảng thực sự vững vàng cả về sức mạnh tâm linh lẫn sức mạnh của tình đoàn kết, lòng yêu nước, thương nòi. Đây là một chủ đề vô cùng thú vị và cần thiết cho các thế hệ hôm nay ngược dòng tìm lại để hiểu, để kính ngưỡng, thương tưởng và tiếp bước cho xứng đáng.
Nhân lúc đang giới thiệu lại Thiền uyển Tập Anh mới tái bản, tôi ghi vội lại đôi dòng. Đây là cuốn sách rất quý. Quý vị nếu có lòng muốn hiểu sâu hơn nữa, hãy nhớ tìm và sở hữu một cuốn cho mình./.
Thích Tâm Hiệp - Nguồn: https://reatimes.vn
----------------------------------------------------------
NGHIÊN CỨU VỀ THIỀN UYỂN TẬP ANH
(NXB Thành Phố Hồ chí Minh 1999 - NXB Phương Đông 2006)
Bộ sách Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh này là bản in lại của lần in thứ nhất năm 1976, biết dưới tên Thiền uyển tập anh, nhưng thường được trích dẫn bằng nhan đề như ta có trong lần tái bản đây. Về cơ bản nó không có gì thay đổi lớn so với lần in trước.
Điều này có nghĩa nó vẫn có phần nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, phần dịch và phần chú thích. Tuy nhiên, do gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, có một số tiến bộ về mặt nghiên cứu cũng như in ấn, nên trong lần in nầy có một số bổ sung mới.
Thứ nhất, về phần Văn bản học, nhờ có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn và tiếp cận một số tư liệu mới, chúng tôi đã tái dựng được quá trình phát triển truyền bản của Thiền uyển tập anh từ đời Trần, Hồ, Lê sơ, cho đến Lê Trung Hưng đời Nguyễn và ngày nay.