;
Nhiệt độ 22, mưa phùn lất phất phủ nhẹ một màn sương mỏng như tấm khăn voan che hờ trên khuôn mặt cô dâu trong lễ cưới.
Xe nối đuôi không thua một thành phố công nghiệp miền Nam. 5 năm quay lại, Hà Nội khác hẳn. Cuộc sống tuy phồn thịnh nhưng không che được mạch sống khốn cùng của các bà, các ông buôn thúng bán bưng. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ tải bao ve chai lầm lũi bên dòng xe hơi đời mới của giai cấp phát triển đột xuất.
Nhiều chuyến bay trong ngày đưa hàng ngàn tu sĩ Phật giáo đổ về Thủ đô tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội. Cung văn hoá Hữu Nghị Việt Xô luôn là tụ điểm cho Phật giáo tổ chức thường kỳ. Năm nay triển lãm đá quý từ Nam đem ra, làng nghề miền Trung cũng góp mặt. Buổi ẩm thực ngày đầu cho các đoàn đại biểu cũng đo một Ni sư vận chuyển lương thực, thực phẩm ngay cả bàn ghế chén đũa cũng từ Nam ra Bắc. Hình như mỗi lần Đại hội đều do phía Nam chủ động.
Đêm đầu tiên, sân Cung văn hoá Hữu Nghị trưng bày đủ sắc màu, văn nghệ bỏ túi cũng được các chị trình diễn. Tại chùa Quán Sứ, các chức sắc Trung ương tổ chức họp trù bị để gút lại thành phần nhân sự cho ngày hôm sau. Cũng như Trung tâm hội nghị, chùa Quán Sứ tấp nập kẻ vô người ra.
Các tổ có phận sự phân phối y hậu quà cáp cho các đoàn đến dự. Bên ngoài các bà các cụ với những mẹt hàng tôn giáo đủ loại chen đua với những cửa hàng tạp phẩm.
15g tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Nhật Anh, người con kết nghĩa đón về thăm gia đình mẹ, chị và các cháu ở quận Hai bà Trưng. Tuy ít gặp nhau, nhưng gia đình tỏ ra rất nhiệt tình, ưu ái hiếm thấy.
***
Ngày 27/11/2022, các đạo tràng U60 trở lên biểu diễn minh họa nhạc Thiên thủ, mỗi đạo tràng có một sắc phục. Chư tôn giáo phẩm chứng minh khai mạc khu triển lãm. Chư Tăng ni và quần chúng chiêm ngưỡng khu vực đá nghệ thuật, khu triển lãm gốm sứ bát tràng, hình ảnh qua các thời kỳ lãnh đạo của chư giáo phẩm và các hình ảnh sinh hoạt của 13 ban ngành.
Trình bày những mặt thành tựu và tích cực. Dĩ nhiên cũng như xã hội không tránh khỏi nhược điểm, nhờ từ đó rút ra những kinh nghiệm cho thời kỳ kế tiếp.
Buổi sáng chỉ có thế. 5 năm một lần mới có dịp để quần chúng hoan hỷ như một dịp giải trí tôn giáo, thể hiện đức tin sùng tín bằng nhiệt tình tham gia pháp sự, phải chăng đống cát vun cao khi trời yên biển lặng. Không thể phủ nhận lòng thành của quần chúng mỗi khi được kêu gọi hỗ trợ chuyên ngành.
Tăng ni không có quần chúng như cua không có càng, nhưng khi điều hành Giáo hội thì cư sĩ là chiếc bóng nhạt nhoà trong khói sương, không phải chư Tăng đều đem hết tài sức để phục vụ chung, bởi nhiều yếu tố chưa thích hợp sở trường hoặc cống hiến không được ban tổ chức hỗ trợ đúng mức.
Thật ra ban tổ chức cũng có cái khó nào đó. Nói chung, tiềm lực Phật giáo không nhỏ, nhưng do cơ chế ràng buộc theo một kỷ cương quy định, không ai tự vượt rào cho sáng kiến vượt trội ngoài quy định. Chặt chẽ có cái lợi dễ kiểm soát nhưng cũng bị hạn chế mức phấn khởi cá nhân.
***
Chiều 27-11 -2022, diễn ra phiên họp trù bị tại Hội trường Cung văn hoá Hữu Nghị, trình bày chương trình sinh hoạt từ ngày 27 đến 29. Chư Tăng ni tuần tự vào bên trong trước khi lên lầu 3, qua hàng rào an ninh không thua gì khi vào bên trong phòng chờ lên máy bay. Mặc dù đeo thẻ “Đại biểu khách mời”, vẫn bị chất vấn làm ở cơ quan, bộ phận nào? Có thẻ nhà báo ???
Báo cáo của Thượng tọa Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự xác nhận Giáo hội đối diện với khó khăn qua 2 năm đại dịch, sự ra đi của Hòa thượng Pháp chủ…
Dĩ nhiên cũng nêu lên ưu thế của cấp lãnh đạo vượt qua bao khó khăn. Bề mặt nổi là thế, ngoài xã hội những tiêu cực của một số tu sĩ trá danh đã làm suy giảm niềm tin một bộ phận quần chúng. Cũng không thiếu tu sĩ có học vị, có danh thế vẫn làm nổi cộm những tai tiếng không đáng có cho Phật giáo.
Tuy là hạt cát trước những thành tựu to lớn với số Tăng ni bảo vệ học vị, học hàm thành công, vẫn làm xốn xang trong nội bộ mà không thể giải quyết triệt để. Mặc dù dư luận phản bác, nhưng bản chất thiếu nhân cách vẫn không thay đổi, phải chăng là “dị tật bẩm sinh?” Là ung nhọt nhức nhối cho Phật giáo hiện nay.
Thượng tọa Tổng thư ký cũng trình bày sinh hoạt cặn kẽ từng ban ngành trong hệ thống một cách rõ ràng, hùng hồn.
Trình bày những thành tựu trong 5 năm qua cho thấy Phật giáo ngày càng kiện toàn và năng động trong cũng như ngoài nước, nhất là hỗ trợ các nước bạn trong mùa dịch.Chi phí trong nhiệm kỳ VIII trên 7.000 tỷ. Có lẽ những thành tựu đó là nền tảng để nhiệm kỳ IX thay da đổi thịt.
Điều thành đạt về sinh hoạt nội bộ và đóng góp cho xã hội, nhưng liệu nhiệm kỳ mới tạo uy tín cho Phật giáo trước những giao động trước cơn sóng truyền thông hiện nay?
Báo cáo chung là mặt tích cực, không có nghĩa là hoàn hảo. Hy vọng điềm lành cho đoạn đường phía trước mà luôn tự hào “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc “.
Dự trình cho nhiệm kỳ IX, Tăng ni nêu cao kỷ cương, đoàn kết hoàn thành mọi sứ mệnh Giáo hội để kiện toàn nội bộ và hoà nhập phục vụ xã hội trong cũng như ngoài nước song song nâng cao kiến thức, cập nhật kỹ thuật khoa học…
Tiếp theo phần điều chỉnh bổ sung Hiến Chương, xin đại chúng góp ý sau khi các chuyên gia góp ý. Mùa an cư sẽ phổ biến Hiến Chương trong trường hạ, lấy ý kiến để hoàn chỉnh hơn.
Việc hoàn chỉnh Hiến Chương để phù hợp với luật pháp gồm ba cấp từ TƯ đến hạ tầng cơ sở đủ tư cách pháp nhân phi lợi nhuận. Còn nhiều điều khoản cần điều chỉnh cho thích hợp tình hình hiện tại. Ba nội dung trình bày xin được biểu quyết vào chiều 28
Tiếp theo, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS trình bày nhân sự suy tôn Hội Đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ IX. Nhân sự cũ có 50 vị nay bổ sung 60 vị. Nhân sự HĐTS có thay đổi và bổ sung một số dự khuyết.
***
Chiều ngày 28-11-2022, Đại hội Phật giáo toàn quốc tại Hà Nội kỳ IX tiếp thu rất nhiều tham luận, nhiều ý kiến, tuy không sáng tạo nhưng vẫn là tiếng kêu…
Qua bao tham luận trước đây cũng nằm trong kho lưu trữ văn khố. Dù sao vẫn có tiếng nói. Từ ngành giáo dục Tăng ni cho đến cơ cấu nhân sự luôn có lỗ hổng như ổ gà trên đoạn đường dài. Kiến thức không đồng đều thì việc tiếp thu cũng bị hạn chế.
Trên nguyên tắc phải qua cơ bản, trung cấp mới lên cao cấp để vào học viện, thực tế việc nhảy rào, có điều kiện ra nước ngoài gọi là du học, vì mất căn bản không theo kịp chương trình, có vị dùng thời gian để hướng dẫn Phật tử đi tham quan các di tích Phật giáo tại Ấn. Cái bằng tiến sĩ đem về không do học lực mà do ngoại giao thế nào đó.
Một số được các giáo sư Hồi giáo, Bà la Môn giảng giáo lý nguyên thủy, về nước chống báng Phật giáo Bắc tông. Cũng có vị có bằng tiến sĩ thực thụ, tốt nghiệp tại các nước phát triển Phật giáo Bắc truyền, bài xích tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy, ủng hộ Đại Thiên, cho A La Hán vẫn còn mộng tinh. Chứng tỏ cái học kinh viện thiếu tư duy sẽ lệch vào “biên kiến”.
Đi du học để có điều kiện mở rộng tầm nhìn, thế nhưng nếu tâm hoạt náo đa văn thiếu tu tập trở thành mối nguy cho Phật giáo không những trên giáo lý mà còn lệch lạc phát ngôn, hành động có hại cho uy tín PGVN, ngày nay cộng đồng mạng là phương tiện phổ biến nhanh nhất về những sai trái của một số tu sĩ.
Qua báo cáo số Tăng ni sinh tốt nghiệp không nhỏ, nhưng khả năng đóng góp cho PGVN chưa nhiều. Nếu chỉ chú trọng về kiến thức, xem nhẹ về tu tập có khác chi chuyên viên tôn giáo.
Dĩ nhiên giáo dục PGVN hiện nay tuy chưa hoàn thiện nhưng đã trang bị cho Tăng ni trẻ có một kiến thức nhất định để lấp vào khoảng trống mà hiện nay phía Bắc có những vị kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ từ đạo cho đến chính trị.
Chưa nơi đâu một vị kiêm nhiệm Trưởng BTS 4 đơn vị còn được tái nhiệm, nhân thân còn chức danh việc đời. Thế thì thời gian còn đâu cho việc tu tập? Chả lẽ tu sĩ PGVN thiếu người? Trên đây đơn cử tiêu biểu về nhân sự hiện nay.
Tham luận là tham gia ý kiến để góp phần cải thiện tổ chức, hy vọng Giáo hội lắng nghe để phát triển nếu biết chọn lọc những đề xuất khả thi.
Những năm gần đây, Giáo hội đã áp dụng theo Hiến Chương đối với những vị quá tuổi quy định rất tốt, nhưng vẫn còn vài trường hợp cả nể hoặc do áp lực tình cảm vẫn lưu nhiệm những vị qua nhiều nhiệm kỳ chưa đóng góp gì cho Phật sự, thêm vấn đề sức khỏe và uy tín bất cập.
Có những chức sắc đầu ngành hình như “việc và người “ chưa tương thích. Có lẽ rồi đây nội tình PGVN sẽ được trang nghiêm cho đúng với tầm vóc của thời đại 4.0.
***
Sáng ngày 29 -11-2022. Khí hậu Hà Nội những ngày này oi lạ. Mùa Đông ngày xưa miền Bắc rét khiếp. Sáng ra các cụ rửa mặt bằng nước nóng. Cỏ cây ngậm sương mãi đến hơn 10 giờ mới đón chút nắng ấm lờ mờ.
Nhà có điều kiện thì có lò sưởi ,áo ấm chăn bông. Dân nghèo thì co ro trong manh áo mỏng, rúm người bên mẹt rau củ chờ khách chiếu cố.
Thỉnh thoảng từ tầng không rãi lớp mỏng mưa phùn làm 36 phố phường như chốn thần tiên. Bây giờ trời cũng đổi tính thay nết, người dân Hà Nội cũng tất bật theo kinh tế thị trường dưới thời tiết đủ làm mồ hôi thấm áo.
Hôm nay ngày kết thúc Đại hội, các đại biểu dễ chịu trong hội trường phát khí lạnh bốn bề.
Ngoài phố cuộc sống bắt đầu nhộn nhịp,trong khuôn viên cung văn hoá các bà các chị vẫn tung tăng chớp vài tấm hình kỷ niệm biết đâu không còn có dịp!
HT trưởng Ban Tăng sự thông báo số lượng được tấn phong lên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và tấn phong giáo phẩm từ Đại đức đến Thượng tọa (TT) và Hào thượng (HT), được thầy Thiện Thống tuyên đọc số lượng từng đơn vị. Ni sư lên Ni trưởng tổng cộng 391 vị. Sư cô lên Ni sư tổng cộng 1.581 vị.
Hòa thượng Gia Quang tiếp tục thông báo chung. Hòa thượng Chủ tịch HĐTS cho biết số lượng tấn phong tổng quát xin ý kiến toàn bộ đại biểu.
Toàn bộ Hội trường niệm Hồng danh sau khi nghi thức tấn phong được tuyên bố.
Hòa thượng chủ tịch tuyên bố nhân sự nhiệm kỳ VIII mãn nhiệm. Không quên cảm niệm chư tôn và các cơ quan chuyên trách đã hỗ trợ nhiệm kỳ vừa qua.
Hòa thượng Thiện Nhơn tuyên bố nhân sự được suy tôn, suy cử, bổ sung HĐTS, Hội đồng Chứng minh 2022-2027. Hội đồng Nhân sự trong hai hội đồng được thầy Thiện Thống tuyên bố danh sách chư tôn Trưởng lão vào Hội đồng Chứng minh 112 vị
và nhân sự trong HĐTS Thuộc các đơn vị trên toàn quốc.
Thầy Huệ Thông với tư cách Ban nhân sự tuyên danh sách dự kiến vào HĐTS nhiệm kỳ IX 2022-2027 gồm 235 vị. 45 vị dự khuyết.
Hội nghị giải lao 30p để thảo luận chương trình cung tôn Đức Pháp chủ. Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ được bắt đầu bằng ban nghi lễ.
Toàn hội trường khởi thân niệm Phật, lễ suy tôn Đức Pháp chủ suy cử Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. HT Thiện Nhơn vừa là Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự trong nhiệm kỳ này. Thầy Thiện Pháp nguyên trưởng ban Tăng sự chuyển qua trưởng ban Kiểm soát.
Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất của khoá IX nhất tâm suy tôn Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi Pháp chủ.
Thầy Thiện Thống tuyên danh chư Tôn Đức vào ủy viên thường trực Hội đồng chứng minh và 30 vị dự khuyết. Thầy Huệ Thông bạch trình danh sách ban thường trực HĐTS TW.
Ban nghi lễ cung nghinh Đức Pháp chủ GHPGVN tiến vào lễ trường.
Hòa thượng Lệ Trang xưng tán chúc từ. Hòa thượng Thiện Nhơn dâng ấn lên Đức Pháp Chủ. Hòa thượng Thanh Nhiễu dâng cà sa lên Đức Pháp chủ. Hòa thượng Bảo Nghiêm thay mặt đại chúng xin Đức Pháp chủ ban đạo từ.
Ngài nhắc lại đại hội lần thứ nhất tuy có 100 vị như viên ngọc quý. Đức Pháp chủ đệ nhất mong đào tạo Tăng tài, ngài coi trọng giáo dục tăng tài. Nhiệm kỳ VIII. Đức cố Pháp chủ nhận thấy Tăng có học mà thiếu đạo hạnh, nên ngài nhắc Hòa thượng Trí Quảng lúc bấy giờ ủy thác, vì thế Hòa thượng đã lập ban Giám luật để chỉnh đốn Tăng giới…
Ông Vũ Chiến Thắng và ông Nguyễn Xuân Bắc tặng hoa Đức Tân Pháp chủ.
Thầy tổng thư ký tóm tắt nội dung suy cử, tấn phong. Nhắc lại đạo từ của đức Pháp chủ, đưa đến bế mạc đại hội lúc 11giờ
Bên ngoài trời Hà Nội vẫn chưa giảm nhiệt khi Hòa thượng Thanh Nhiễu đọc lời cảm tạ thay cho lễ bế mạc.