;
Người đời không hiểu, nghe người yêu hay chồng mình bày tỏ chí nguyện xuất gia, bèn tìm mọi cách níu kéo, vì sợ mất người thương nên mãi trói nhau trôi lăn trong sanh tử. Vợ chồng là nhân duyên, nếu được nhất định phải hy sinh, làm nên cho nhau. Dù theo lẽ, người xuất gia phải trả lại tự do cho người bạn đời của mình.
Tuy nhiên, yêu là cùng nhìn về một hướng. Chẳng phải bậc xuất sĩ không có tình yêu, mà trái tim của quý ngài hoàn toàn không chút vị kỷ. Nên quyết tâm chặt đứt sự trói trăn của ái dục đổi ra tình thương cao thượng.
Theo kinh Bổn Sanh, cách đây 4 A-tăng kỳ và 100.000 kiếp trái đất, tiền thân của Bồ Tất Đạt Đa là Bà La Thiện Huệ, vào thời đức Phật Nhiên Đăng. Vì khát ngưỡng Phật quả, Thiện Huệ đã hỏi mua hoa sen từ một cô gái với giá cao ngất, nhưng sau khi biết mục đích của chàng muốn cầu thành Phật, thì nàng lại phát tâm tặng không với lời nguyện sẽ được làm vợ chồng và trợ duyên cho ngài đến khi thành Phật. Sau khi, Thiện Huệ tung hoa lên hư không cúng dường và lấy tóc trải cho đức Phật Nhiên Đăng bước qua vũng sình, cả hai người được đức Phật thọ kí cho được toại nguyện. Đến kiếp cuối cùng, tiền thân của đức Phật Thích Ca là du sĩ Thiện Huệ, Tiền thân của Công nương Da Du Đà La là cô gái bán hoa.
Trong thời gian Thái tử lang thang tìm đạo, Da Du Đà La từ bỏ hết tả cả trang sức, mặc y phục thô ráp, hẽ nghe tin thái tử sống khổ hạnh ra sao, nàng cũng quyết cùng chồng chấp nhận. Đến khi đức Phật Thích Ca thành đạo, ngài quay trở về thành Ca Tỳ La, thuyết pháp độ phụ vương Tịnh Phạn và dòng họ Thích Ca. Ngài đã ca ngợi sự hy sinh của Công nương Da Du Đà La, trong vô lượng kiếp trước đến nay. Sau khi cho thái tử La Hầu La xuất gia theo đức Phật, Công nương cũng theo Di Mẫu xuất gia, đắc A La Hán quả.
Tổ sư Ma Ha Ca Diếp là vị tổ đầu tiên của Phật giáo, được tôn xưng là đầu đà đệ nhất trong thập đại đệ tử của đức Phật. Ngài vốn là con của một gia đình Ba-la-môn giàu có, dù có ý muốn xuất gia nhưng bị gia đình ép hôn với Diệu Hiền. Do không có ý định kết hôn, nên ngài cho tạc ra bức chân dung một người phụ nữ thật đẹp với điều kiện toàn thân phải có ánh sáng vàng như ngài, thì tôn giả mới đồng ý. Không ngờ, cha mẹ ngài đã tìm được cô gái ấy và ngài buộc phải thành thân.
Tuy nhiên, may mắn sao vợ ngài cũng có ý niệm thanh tịnh ly dục, chờ ngày xuất gia. Nên hai người tuy mang danh nghĩa là vợ chồng nhưng chỉ xem nhau là bạn, sống chung với nhau như thế cho đến ngày xuất gia cầu đạo.
Do tiền kiếp vào thời đức Phật Tỳ Bà Thi, sau khi ngài diệt độ, thấy một ngôi tháp thờ Phật bị hư hoại, nên cô gái nghèo đi hóa duyên để xây chùa và thiếp vàng cho tượng Phật. Cô mời thợ hoàn kim nấu vàng chảy ra phết lên tượng Phật. Vì cảm động trước lòng thành của cô gái, người thợ hoàn kim k[ỉ tâm yêu mến, chỉ lấy một nửa tiền công. Thấy người thanh niên tốt bụng, nên cô gái đồng ý nên duyên vợ chồng. Hai người phát nguyện đời đời kiếp khiếp không muốn rời nhau. Nên mới kết hôn với nhau đến đời này. Do nhân duyên thếp vàng cho tượng Phật, nên trên thân hai người luôn phát ra ánh sáng màu vàng kim. Vì vậy mà tên của tôn giả Ma Ha Ca Diếp được gọi là Ẩm Quang, còn Diệu Hiền sau này là Tỳ kheo ni Tử Kim Quang.
Thấy Di mẫu của Phật được xuất gia, tôn giả có ý mừng vì đã mở lối để Ngài thực hiện lời ước hẹn năm xưa với Diệu Hiền lúc tạ từ gia đình để đi xuất gia. Vì chờ Đại Ca Diếp suốt 3-4 năm không thấy trở về, nên nàng đem tài sản ra bố thí hết, rồi xuất gia theo phái ngoại đạo lõa hình. Nghe tin, tôn giả cho một Tỳ Kheo Ni đến đón này về Ni Viện. Nhưng sắc đẹp của nàng khiến mọi người xôn xao bàn tán, nên Diệu Hiền tránh tiếp xúc, không còn đi khất thực nữa.
Thương cho tình cảnh của Diệu Hiền, hàng ngày Tôn giả chia nữa phần cơm, nhờ người mang đến cho nàng. Lại bị dư luận thị phi, sanh tâm đố kỵ, cho là giữa hai người có tình ý với nhau. Để tránh đàm tiếu, tôn giả không chia phầm cơm cho Diệu Hiền nữa. Riêng Diệu Hiền, muốn nhanh chóng dứt nghiệp nữa lưu, bỏ cả ăn ngủ, tinh tấn tu tập, chứng được Túc mạng thông, được Đức Phật khen ngợi. Tôn giả Đại Ca Diếp rất hoan hỷ, với hai mặt đạo và đời Ngài đều thực hiện viên mãn, hết mối bận tâm.
Xưa nay trong đạo Phật, việc đổi duyên nợ vợ chồng ra tình thầy trò, pháp lữ có rất nhiều, từ đức Phật Thích Ca, tổ Ca Diếp, đến Quốc Sư Ngọc Lâm, đều trọn vẹn, chẳng nghi ngờ. Đủ thấy, điều mà người Phật tử nên học, nghĩa vợ chồng là làm nên cho nhau. Bằng trái lại, đem tình ái trói buộc, làm nhục chí bậc xuất trần, thì hậu quả thật đáng buồn.
Vào khoảng hai mươi năm sau đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, tôn giả Xà Dạ Đa, dẫn đầu một tăng đoàn gồm mười sáu vị trên đường đi từ thành Tỳ Xá Ly về hướng bắc thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài dừng lại nói chuyện với một con quạ. Nó kêu lên rất thảm thiết, trước mặt tôn giả. Đi một đoạn thì mọi người tìm thấy được cái ổ có con quạ đã chết. Quý thầy thắc mắc, thỉnh tôn giả giải nghi. Tôn Giả Xà Xạ Đa nói:
“Cách đây 93 kiếp, thời đức Phật Tỳ Xá Phù, ta là con trai một gia đình giàu có, muốn phát tâm xuất gia, nhưng bị cha mẹ ngăn trở vì là con một. Nhưng vì chữ hiếu phải lập gia đình. Bảy năm sau, ta có một đứa con trai tròn sáu tuổi. Dù thương con, nhưng ta vẫn muốn tiếp tục nối chí nguyện xưa, sau khi để lại đứa con nối dõi. Đêm đó, mưa gió bão bùng. Thằng bé ngồi co ro, môi tím ngắt, mặt tái mét, ôm chân ta khóc: "Cha đi xuất gia rồi cha bỏ con. Con cũng không thiết sống. Cha cứ đi đi". Nghe vậy, lòng ta đau như cắt, hứa không bỏ đi tu nữa.
Nay đến đời Phật Thích Ca, trải qua 93 kiếp, dùng túc mạng thông và thiên nhãn soi thấy, ta mới gặp được con mình trong thân quạ. Mẹ nó đọa làm quỷ đói ngoài thành. Do quả báo cản trở người xuất gia. Nhờ nghe pháp và sám hối, nên con ta giờ đã thoát kiếp bàng sanh. Đợi đến Phật Di Lặc ra đời sẽ được độ”.
Rõ thấy, cái thương của bậc giác ngộ chẳng giống với thế gian, do si mê sắc dục mà dính mắc, vì đó là gốc của sanh tử luân hồi, có nên duyên vợ chồng muôn kiếp cũng chẳng thể giải thoát cho nhau được, cứ luẫn quẫn trong vòng xoay của ân oán, duyên nợ tình thù, chẳng biết khi nào dứt. Tình yêu của các ngài là mở sự trói trăn sanh tử, đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác. Dù tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, cao đẹp đến vô lượng kiếp, cũng không làm hoen ố bi tâm và tuệ giác thanh tịnh nơi lòng.
Là Phật tử, nếu chẳng thể chở tình yêu mình vào đạo lộ Niết bàn. Trái lại vì nhân duyên ái dục mà đánh mất Tam quy, trái bỏ Phật đạo, hoặc ngăn trở người bạn mình phát tâm xuất gia chẳng phải đáng thẹn lắm ư? Trong tình cảm, người xuất gia không phụ bạc ai cả, mà chỉ mở ra một con đường cho một tình yêu khác cao thượng trong sáng, vĩ đại và bao dung hơn. Bằng ích kỷ, chẳng ủng hộ lý tưởng cao đẹp của người yêu mình, tìm cách cản trở, đó mới là phụ tấm chân tình do cả hai cũng vun đắp.
Chí Ngu