;
Đêm thắp nến tưởng niệm Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phật giáo Hằng Vang tại Thiền viện Phước Hoa (20-12-Nhâm Dần) - Ảnh cắt từ video
20 tháng Chạp, lại là ngày định mệnh cho sự tương phùng, ngày mà nửa thế kỷ trước, mặt trời tắt lịm tại một góc tinh cầu như bao tắt lịm của sao băng trên không gian vũ trụ, có chăng là lúc tô điểm nét chớp nhoáng lãng mạng giữa màn đêm; rồi một năm qua cũng thế, mặt trăng Đông phương tỏa sáng trời Tây cũng bị dòng chảy sinh diệt cuốn trôi nơi một góc thầm lặng trên quê hương sỏi đá; cũng ngày 20 định mệnh, ngôi sao sáng trên cung điệu trầm luân khuất núi, đủ là dấu ấn trùng phùng cho ngôi Thiền viện Phước Hoa, Long Thành, tỏa sáng những ngọn nến lung linh thắp sáng ấm lòng những người con, người cháu, thế hệ kế thừa tri ân khi Đông tàn cho nụ Xuân hé nở.
Chân dung cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa
Cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, một danh Tăng trong thời ly loạn, kế nghiệp tiền hiền, truyền đăng tục diệm, ươm mầm cho thế hệ tiếp nối giữ sáng ngọn đuốc pháp tuệ mong đạo Phật Việt Nam luôn tồn tục hầu đáp đền ân chư Phật, Tổ thầy.
Vừa đào tạo Tăng tài, vừa duy trì nề nếp thiền môn, vừa đầu tư trí tuệ cho cây thang giáo lý vào một hệ thống mà Tăng ni cũng như cư sĩ làm nền tảng bước vào ngôi nhà Như Lai. Chẳng những thế, khi bom đạn rền vang trên quê hương, Ngài đảm nhận ngôi vị Viện trưởng Viện Hóa Đạo, lèo lái con thuyền Giáo hội đương thời tránh khỏi chao đảo trước những con sóng chính trị thế tục. Ôi, bao công lao, tâm đức của một danh Tăng như Ngài, lời văn con chữ làm sao đủ diễn đạt trọn vẹn.
Chân dung Cố Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Cố Hòa thượng thượng Nhất hạ Hạnh cũng thế, bước chân an lạc mang dấu ấn thiền môn làm nên ấn tượng trên khung trời Âu Tây; Ngài là một trong hai vị đem Phật giáo vào xã hội công nghiệp, cũng là xã hội từng lấy Kito giáo làm nền tảng tâm linh suốt hai ngàn năm.
Nguồn gió mát và mới lạ của Phật giáo đã giúp xã hội công nghiệp có những bước chân an lạc, làm chậm sự hối hả của nhịp sống, giảm bớt nhiều căng thẳng đã áp lực con người.
Hơn 40 năm bôn ba nơi đất khách, tạo được thế đứng một trong 25 danh nhân thế giới được tạc tượng lưu niệm, và thành lập được một dòng sống cho đoàn người chấp nhận gia nhập vào con đường “hiện pháp lạc trú”; những bước chân an lạc đó rãi đều trên những quốc gia có duyên với đạo Phật, cân bằng cuộc sống cho mọi xã hội.
Cội tùng ngã bóng khi tuổi ngoài 80, quê hương là cội nguồn để xuất phát thì quê hương vẫn là chốn bảo bọc yêu thương cuối đời của một danh Tăng “Thiền sư”.
Hẳn nhiên khi người nằm xuống, công lao mới được hậu thế ghi nhận. Tung hô, phê phán chỉ còn là cơn gió thoảng. Dù sao giáo sử không thể là một khoảng trống thầm lặng của kỷ nguyên đương đại.
Khi “nhật nguyệt” ẩn tàng thì ngôi sao giữa màn đêm lấp lánh vẫn có một giá trị đặc thù.Trên 60 năm gắn bó với Gia đình áo lam, thấm mùi tương chao lại là chất xúc tác cho một nhạc sĩ thời danh “Hằng Vang” chễm chệ giữa lòng âm nhạc so vai với Lê Cao Phan, Bửu Bác.
Vâng, một nhạc sĩ lão thành nhưng đàn em vẫn xem anh là một người anh khả kính. Từ giả sông Hương núi Ngự để chọn vùng đất Bazan quanh năm sương lạnh làm quê hương thứ hai, xứ lạnh sương mù nơi đất khách giúp anh thai nghén nhiều nhạc phẩm về sau, nhưng quan trọng cũng từ vùng đất lạnh mà những người con nối nghiệp cha mang giòng máu nghệ sĩ mỗi người một nét đặc thù.
Bức họa chân dung cố nhạc sĩ Hằng Vang
Suốt đời trai trường thanh đạm, nuôi dưỡng một tâm hồn hướng dương, anh luôn nghĩ đến tiền đồ Phật pháp, luôn tìm cách phục hưng âm nhạc Phật giáo, muốn quy tụ những anh tài âm nhạc làm nên một cõi cho nguồn sinh lực đạo phật thắm đượm vào giới trẻ, cho xã hội tươi nhuận hương giải thoát.
Công trạng của chư Tăng ni và tín đồ chấn hưng Phật pháp, thời nào cũng có, nhưng ít có thời nào gặp nhiều khó khăn khi xã hội tao loạn mà các Ngài không ngại dấn thân. Với công lao to lớn như Nhật nguyệt tinh tú, Giáo hội cần có những buổi lễ tưởng niệm như thiền viện Phước Hoa đã có đêm hoa đăng vào nhày 20 tháng Chạp vừa rồi.
Dịp để anh chị em văn nghệ sĩ tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ các bậc tiền hiền. Và nếu không có sáng kiến của Thượng tọa viện chủ Thích Chánh Tài, không được sự hỗ trợ của chị Tâm Tuệ công ty Hán Linh, không có sự tiếp sức của nhóm Bông hồng cài áo và nhiếp ảnh Nhất Chi Mai cũng như phật tử của tu viện, làm sao con cháu của nhạc sĩ Hằng Vang tất tưởi từ Đaklak vừa lễ xả tang cho ông, vừa xuống Phước Hoa đúng 18.30h kịp thắp nến tưởng niệm linh thiêng cho nhị vị Tôn sư danh Tăng và cố nhạc sĩ Hằng Vang đầy ấn tượng.
Có lẽ, tu viện Phước Hoa là nơi duy nhất trang trọng lễ tưởng niệm các bậc tiền hiền có công với Phật giáo, cũng là Tổ đình của giới văn nghệ sĩ tìm hơi ấm trong cuộc sống nhiêu khê.
Thượng tọa Thích Chánh Tài cảm niệm về buổi lễ - Ảnh cắt từ video
Tuy không ai nói, ngoài gia đình cố nhạc sĩ, anh chị em có mặt không quên niệm ân thầy trụ trì chỉn chu từng khâu ẩm thực, đưa đón, và rất ư nghệ thuật trong buổi lễ tri ân đêm 20 tháng Chạp, một năm sau nhiều biến động dịch bệnh và khó khăn.
12/01/2023 (nhằm 21, tháng Chạp, Nhâm Dần)