;
"Một lần dính mắc, vướng bận tâm tư làm khổ mình người.
Trăm điều xả bỏ, thong dong tự tại bình yên cõi lòng".
Đã làm người chắc hẳn ai cũng phải tham, nhưng có người tham cho mình, gia đình mình, đất nước mình nên tìm đủ mọi cách để vơ vét về cho riêng mình, do đó làm khổ đau nhiều người. Ta có quyền tạo ra của cải vật chất bằng cả đôi tay và khối óc của mình, chứ đừng bóc lột lường gạt người khác, sống như vậy còn khả dĩ chấp nhận được. Bởi tham đắm dính mắc vào tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung mặc sướng, ngủ nhiều mà ta đành lòng làm tổn hại người khác. Xả là một phương pháp làm cho thân tâm ta an ổn, xả ở đây là xả bỏ tâm phiền muộn khổ đau do tham đắm dính mắc, chứ không phải xả bỏ trách nhiệm, việc làm. Muốn được như vậy chúng ta phải biết quy hướng về Phật-đà để học hỏi và tu sửa cho thân tâm ngày một sáng trong. Ta vẫn làm việc phục vụ, dấn thân đóng góp mà không dính mắc vào cái ta, cái của ta, người thân yêu của ta, nhờ vậy ta ngày càng bớt phiền muộn khổ đau.
HẠNH PHÚC HAY KHỔ ĐAU ĐỀU DO MÌNH TẠO LẤY
Khi buồn khổ hay bất an một điều gì, chúng ta hay đổ thừa vì hoa hồng có gai, nhưng khi vui vẻ hay hạnh phúc chúng ta lại thấy hoan hỉ vì trên cành gai kia xuất hiện một đóa hoa hồng. Thế gian này khổ hay vui tùy thuộc rất nhiều từ sự nhận thức của mọi người.
Chúng ta muốn thưởng thức những đóa hồng đẹp thì phải chấp nhận thân gai góc của nó. Hoa hồng mềm mại, thơm tho và đẹp đẽ nên ai cũng thích ngắm nhìn, thưởng thức hương vị ngọt ngào của nó nhưng trên thân hoa lại có nhiều gai góc. Nếu muốn thưởng thức sự tinh khiết của hoa thì ta phải chấp nhận thân gai góc. Cũng vậy, thân ta vô thường bại hoại nên mới bị sự chi phối của già-bệnh-chết, nhưng ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai thì nghe thấu mọi âm thanh sai biệt của muôn loài vật nên nghe chỉ là nghe; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.
Người lạc quan luôn nhìn đời với các vì sao lấp lánh nằm trên bầu trời quang đãng, sáng trong. Chính vì vậy họ thấy thế giới luôn tươi vui, xinh đẹp như những đóa hoa hồng. Người bi quan thì thấy thế giới là cả một bầu trời đen tối chỉ toàn khổ đau nên thấy rất nhiều hầm hố, chông gai. Với người biết sống một cách thực tế thì thấu rõ chân lý của cuộc đời nên thấy thế giới không hoàn toàn tươi vui, xinh đẹp như hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn nhiều gai góc.
Trong cuộc sống những ai có hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt thì không đam mê, say đắm bởi cái đẹp của hoa hồng. Họ nhìn thấy hoa hồng chỉ là hoa hồng và vẫn biết rõ trong hoa hồng phải có chất liệu của gai nên luôn cẩn thận để khỏi bị gai làm đau nhức.
Hoa hồng tượng trưng cho bốn hoàn cảnh thuận lợi trong cuộc sống như được lợi lộc, được khen ngợi, được tán thán và được vui vẻ hạnh phúc. Gai góc thì được ví như bốn sự không hài lòng, vừa ý trong cuộc sống như bị mất mát, bị chê bai, bị hủy nhục và bị khổ đau. Đã làm người trong cuộc sống tất cả chúng ta đều phải trực diện với các hoàn cảnh ấy dù ít hay nhiều trong dòng đời nghiệt ngã này. Ai có đủ khả năng, ý chí, nghị lực, trí tuệ và sự sáng suốt thì sẽ vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng cách tin sâu nhân quả, siêng làm các việc thiện, không làm việc xấu ác.
HIỂU BIẾT CHÂN CHÍNH SẼ GIÚP TA SỐNG HẠNH PHÚC HƠN
Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài sản của chung.
Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì? Chắc chắn ai cũng nói rằng để lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gầy dựng sự nghiệp tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc sướng!
Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu trong hiểu biết và biết cách hòa hợp của hai trái tim, khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.
Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm", nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật. Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, để san sẻ nỗi khổ niềm đau, làm vơi bớt sự bất hạnh và sống tốt hơn, bằng tình người trong cuộc sống.
Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy. Chúng ta đã gieo nhân trước kia thì giờ đây gặt quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, kết quả tốt hay xấu khi hội đủ nhân duyên quả báo liền đến.
Chúng ta tu để làm gì? Và tu như thế nào để cho được an vui, hạnh phúc? Người đời làm việc xấu ác, vì không tin tâm mình là Phật. Con cái không hiếu thảo cha mẹ, vì không tin sâu nhân quả. Trẻ em không chịu vâng lời thầy cô giáo chỉ dạy, không siêng năng chăm chỉ học hành, vì chẳng biết tu tâm. Gia đình sống không vui vẻ thuận thảo, không biết kính trên nhường dưới, vì chẳng biết tu tâm. Xã hội hay nói nặng, mắng chửi kiện cáo nhau vì chẳng biết tu tâm. Thế giới đấu tranh tham lam giành giựt giết hại lẫn nhau, vì chẳng biết tu tâm.
Phật tử tu hành hay bị thối chuyển, bởi vì hay cầu khẩn van xin không tin tưởng chính mình ỷ lại vào bên ngoài. Mọi người ai cũng có khả năng nhận diện tâm qua sự xúc chạm thấy nghe hay biết, mới có thể trở nên hiền từ, sống chân thật, đạo đức và biết giúp đỡ, sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống.
Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội có tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết.
Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê. Và Phật dạy không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi, cho nên chúng ta phải bình đẳng thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, bằng trái tim hiểu biết.
Một người biết làm lành, tránh xa những điều xấu ác thì người ấy trở nên hiền từ và đức độ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì mọi người đều được bình yên, hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì tất cả mọi người đều sống trong an lạc thái bình. Hết thảy mọi người đều tránh dữ làm lành, thì chúng ta sẽ sống trong thế giới đại đồng, hưởng trọn vẹn niềm vui cực lạc.
Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc nên suốt đời cứ mãi tìm kiếm để vượt qua hai điều thiếu thốn: Thứ nhất là thiếu thốn về vật chất và thứ hai là thiếu thốn về tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có khi không nhà cửa hoặc có thì với túp lều lụp sụp, thân phải khổ sở nhọc nhằn làm thuê làm mướn, đầu tắt mặt tối mà nợ nần vẫn chồng chất.
Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, ích kỷ, gian xảo, dối trá, ganh ghét tật đố, lường gạt, đầu trộm đuôi cướp gây ra nhiều tội lỗi làm tổn hại đến gia đình người thân và xã hội. Thế gian con người chi lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo lắng đến tinh thần!
TU NHÀ TU CHỢ TU CHÙA CÁI NÀO DỄ HƠN?
Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.
Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.
Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.
Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?
Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.
Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Nói tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được thì mình sẽ an lạc, hạnh phúc!
Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.
Cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ gia đình người thân, nhưng không ai cho phép? Nhiều người muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng gia đình không cho phép.
Ở đây chúng đang thấy một sự thật, vì mỗi khi trong gia đình có sự bất hòa thì phần lỗi ít nhiều gì đó đều do hai bên, không biết thông cảm cho nhau, không thực sự thương yêu nhau.
Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn thương và được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.
Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át? Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình ta ví mình như gỗ đá chăng?
Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật. Phật là người đại từ, đại bi thương tất cả chúng sinh một cách bình đẳng mà không phân biệt thân hay sơ.
Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài sản của chung.
MÙA XUÂN CỦA MỌI NGƯỜI
Năm cũ sắp sửa trôi qua với bao đổi thay của đất trời và con người, để đón nhận một mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc.
Cỏ cây hoa lá, héo úa tàn rụng theo thời tiết bốn mùa mà sinh sôi nảy để chuẩn bị đơm hoa kết trái đón nhận một mùa xuân mới. Con người ai cũng hy vọng năm cũ qua mau để đón nhận một năm mới tươi sáng và tràn đầy yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Thế cho nên, vào những ngày cuối năm, mọi người đều chuẩn bị về vật chất lẫn tinh thần để hân hoan chào đón mừng xuân đến.
Khởi đầu một năm mới, ai cũng ước mơ mong muốn những gì tốt đẹp và hạnh phúc nhất đến với cá nhân mình, gia đình mình, đất nước mình. Con người và đất nước hưởng trọn một mùa xuân thanh bình là hạnh phúc lớn lao trong niềm hân hoan tốt đạo đẹp đời.
Nhìn lại những năm tháng đã qua đi trong cuộc đời, ta thấy mình và người, ai cũng đón nhận biết bao cảnh vui buồn, tốt xấu, đúng sai, phải quấy, thành công hay thất bại. Gặp điều như ý ta vui vẻ phấn khởi tự hào, nhưng khi gặp chướng duyên ta lại than phiền trách móc, có khi lại oán trời trách đất đổ thừa cho gia đình người thân. Người biết tu không mong cầu những điều như ý muốn mà cũng không sợ khó khăn trở ngại, chỉ biết rằng mình tin sâu nhân quả và kiên trì bền bỉ dứt ác làm lành, giữ tâm ý thanh tịnh.
Bồ-tát Di Lặc là tượng trưng cho hạnh phúc tràn đầy nên có nụ cười tươi tắn, dù có bị sáu tên giặc bủa vây với công hạnh hỷ và xả. Hỷ ở đây không phải là cười đùa trêu giỡn như lẽ thường của thế gian, mà là sự vui vẻ hạnh phúc bởi nội tâm trong sáng. Xả ở đây không phải là lãnh đạm quay lưng trước những mãnh đời bất hạnh, mà là hết lòng giúp người, cứu vật khi có nhân duyên. Hình tượng Bồ-tát Di-Lặc mập tròn, bụng to, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, nụ cười thật thoải mái với những đứa trẻ vây quanh, biểu hiện một niềm hạnh phúc tràn đầy.
Người tu hành chân chính biết buông xả mới có thể thương yêu người bình đẳng, mới sẵn sàng tha thứ cho những ai làm hại mình, mới có thể vì lợi ích cho chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán bằng trái tim hiểu biết.
Những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau trong những ngày đầu năm mới, tuy đơn sơ nhưng thấm đậm tình người mong cho thế nhân luôn gặp điều may mắn và hạnh phúc tràn đầy. Nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi suôn sẻ trong năm mới, ta biết mình đã gieo nhân thiện lành nhiều đời, và càng tinh tấn tu hành hơn nữa để mai sau hưởng trọn vẹn niềm an vui hạnh phúc. Nếu gặp chuyện không được hài lòng như ý, ta có thể biết đó là hậu quả của việc làm xấu của mình trong quá khứ. Nên ta chí thành sám hối, đồng thời nỗ lực tu hành, từng bước sẽ chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Nghiệp tốt hay xấu được hình thành từ thân miệng ý, nên ta chỉ cần kiễm soát chặt chẽ ý nghĩ của mình. Tin sâu nhân quả, kiểm soát thân miệng ý trong từng phút giây để cho ta và người hưởng trọn vẹn mùa xuân thanh bình nội tâm, do chính ta xây đắp.
Thời gian trôi nhanh không bao giờ dừng nghỉ, chúng ta đừng nên đánh mất tuổi trẻ và sức khỏe, mới ngày nào đang độ tuổi thanh xuân căng tràn sức sống mà nay đã gối mỏi lưng. Con quỷ vô thường sẽ sẵn sàng chờ đón ta?
Nói đến mùa xuân, hầu như ai cũng nghĩ đến sự tốt đẹp, an vui, mới mẻ. Mùa xuân cũng khiến lòng ta dịu lại, trải rộng ra, hòa nhập với đất trời và đồng cảm với mọi người. Hoàn cảnh gia đình không ai giống ai, nhưng người nào cũng muốn nhà mình sạch sẽ hơn, tươm tất hơn ngày thường. Người lớn trang phục chỉnh tề, trẻ nhỏ ít nhiều cũng có những bộ quần áo mới và nhận được tiền lì-xì. Cách nói năng đối xử với nhau cũng có phần lịch sự hơn, biểu hiện sự vui vẻ để đón nhận một mùa xuân mới.
Cũng chính vì vậy, phần đông những người xa xứ đều mang trong lòng nỗi nhớ quê hương, đều tìm cơ hội về thăm nơi quê cha đất tổ để hưởng một mùa xuân sum họp. Trước bàn thờ tổ tiên, họ sẽ thành tâm dâng lên ông bà cha mẹ những kết quả trong học tập, trong công danh sự nghiệp mà mình đã thành công.
Đối với người Phật tử, mùa xuân là lúc thích hợp để họ hành hương, chiêm bái các chùa chiền tự viện. Một số người còn nặng về tín ngưỡng nhân gian đến chùa để xin phước lộc đầu năm, cầu mong chư Phật, Bồ-tát ban cho sức khỏe, hạnh phúc và mọi điều may mắn trong cuộc sống. Họ nghĩ đến Phật như một đấng thần linh, có quyền ban phước giáng họa cho mọi người.
Những ngày đầu năm mới để chúng ta có dịp đến thăm ông bà cha mẹ, bà con, bạn bè, cùng nhau chúc tụng những lời tốt đẹp, cùng uống với nhau ly rượu, tách trà.
Như vậy, hạnh phúc thật sự của con người không phải từ bên ngoài đến, mà từ sự buông xả ở ngay nội tâm mình. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta xả bỏ những tranh chấp hơn thua, phải quấy, tốt xấu, đúng sai xem đó như là gió thoảng mây bay, nên ta cảm nhận niệm phúc lạc vô biên.
Nhưng chúng ta ý thức cuộc đời là vô thường không phải để buồn chán bi quan, phó mặc dòng đời đưa đẩy, mà ta càng phải sống tốt hơn nữa để được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng trái tim vị tha. Những gì thế gian cho là lạc thú, nhưng có ai giữ mãi nó được đâu nên kèm theo là sự đau khổ vì mất mát chia lìa? Hoa phù dung sớm nở tối tàn, người trẻ đẹp rồi cũng tàn úa theo thời gian. Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn!
Hạnh phúc thế gian chỉ là tạm bợ thoáng qua mau, tiền tài, sắc đẹp, quyền cao chức trọng, ăn sung mặc sướng, ngủ nghỉ quá nhiều để rồi tiếc nuối trong mơ màng. Một số người suy nghĩ chưa tới nên đã lãng phí thời gian, sức khỏe vào những đam mê say đắm ảo, khi lớn tuổi mới hối hận ăn năn nhưng đã quá muộn màng. Chính vì vậy mà người xưa nói:
“Chớ đợi đến già mới tu học,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.
Chúng ta thấy rõ cuộc đời là vô thường, để mình ý thức và trách nhiệm hơn, không để những tháng ngày đam mê sa đọa một cách vô ích. Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, an trú trong hiện tại”. An trú trong giờ phút hiện tại là người biết làm chủ bản thân, không để việc làm cuốn trôi. Chúng ta hay tiếc nuối về quá khứ tốt đẹp thích hồi tưởng về những gì đã qua, mà không bao giờ biết bằng lòng với những gì mình đang có trong hoàn cảnh hiện tại.
Vì không thỏa mãn với những gì mình đang có, nên ta cứ mãi chịu khổ đau trong vô vọng để đi tìm hạnh phúc ở đâu đâu? Người biết bằng lòng những gì đang có, không mong cầu sự bình an, hạnh phúc từ bên ngoài nên cảm nhận được niềm vui trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ.
Đã làm người dù cao sang hay thấp hèn, giàu hay nghèo đều chịu khổ đau bởi quy luật già, bệnh, chết đó là chất liệu cần thiết để mọi người không cố chấp, bám víu vào xác thân này mà tìm cách thoát khổ.
Sinh già bệnh chết là lẽ đương nhiên, có sinh ắt có tử, như thời tiết bốn mùa đổi thay. Chỉ có tâm linh sáng suốt là bền vững và lâu dài với thời gian. Chỉ có tâm Phật sáng suốt mới giúp ta vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà sống bình an, hạnh phúc.
Dù trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tốt xấu, nên hư, thành bại người có công phu tu tập sẽ vững lòng tin hơn trước sự biến động của cuộc đời mà vẫn an nhiên, tự tại. Tâm không xao động thì thế giới bình yên trong lòng mọi người.
Nhân năm cũ sắp hết, năm mới sắp đến ta đón nhận một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc mà cùng nhau kết nối yêu thương bằng trái tim vô ngã, vị tha. Niềm vui ấy mới là tuyệt đối, là vĩnh cửu, mới là mục đích cao tột của mọi người.
Là người Phật tử chân chính, chúng ta biết buông xả những thói quen có hại cho người, vật nhưng phải luôn có trách nhiệm trong cuộc sống. Để Bồ đề tâm chúng ta ngày càng thêm vững chắc, để ta có cơ hội trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, mà vẫn chu toàn mọi việc. Chúng ta làm việc sẽ tốt hơn, sống có ý thức và trách nhiệm hơn. Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng của chính mình. Và khi ta sống có ý thức trách nhiệm ta sẽ biết mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng 60 cuộc đời này để làm việc đóng góp và phục vụ tha nhân.
Chúng ta hãy nên nhớ kỹ một điều: không ai có thể sống thay giùm cho ta được, dù đó là cha mẹ hay những người thương yêu nhất của ta. Chỉ có ta mới có khả năng làm chủ bản thân quyết định cuộc đời mình, ta phải gánh chịu sự đau khổ hay an vui hạnh phúc. Thiên đường hay địa ngục hoàn toàn do ta, chứ không có ai ban phước giáng hoạ.
Quá trình trưởng thành của một đời người gian nan biết bao, cứ mỗi lần vấp ngã, ta lại đứng lên và vững vàng hơn một chút. Sau này có thời gian nhìn lại mới thấy, ta đã học được cách bình thản đối diện với cuộc sống hiện thực, ta không còn ôm lấy những vết thương lòng sau khi vấp ngã nữa. Ai chẳng có những nỗi đau bất hạnh mà chính mình đã gây nên. Chúng ta cần một trái tim mạnh mẽ, một sự kiên nhẫn bền bỉ và dũng cảm để chấp nhận những xáo trộn của cuộc sống đang đi qua cuộc đời của ta.
Niềm vui cũng từ chính mình mà có, nỗi buồn cũng từ trái tim mà ra, để rồi chúng ta mới biết trân trọng bản thân mình như thế nào, mà biết cách bảo vệ mình cho tốt, để từng bước vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Trong cuộc đời, có những lúc buồn đau giăng kín khiến cho chúng ta lạc lối, không tìm ra lối thoát mà để dòng thời gian đang dần trôi qua nhanh. Chúng ta vô tình đánh mất chính mình vì bị nhấn chìm trong biển khổ sông mê. Nên có nhiều người ước mơ thời gian được quay trở lại, để có cơ hội chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau mà ta đã lầm lỡ vướng phải. Tại sao chúng ta cứ mãi luyến tiếc những gì đã qua mà không biết sống trong giờ phút hiện tại.
Giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống chúng ta khao khát tìm kiếm cái cảm giác bình yên của thân tâm. Đã quá nhiều áp lực, quá nhiều những nỗi đau thương mất mát và nó không còn giá trị thiết thực mà cuộc sống dành tặng cho chúng ta. Ngay cả đến thời gian để tận hưởng cuộc sống, để nhìn lại chính mình ta cũng chẳng thèm quan tâm để ý đến bao giờ.
Chúng ta quá nghèo nàn nên không thể dành một chút thời gian cho những người thân yêu của mình. Chúng ta cứ mãi cầu xin sự bình an, hạnh phúc mà không chịu làm chủ bản thân bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Có những lúc chúng ta gục ngã và tưởng chừng như không có gì cứu vãn nỗi, nhưng chúng ta vẫn phải bước tiếp dù bước đi của ta có chậm đi đôi chút. Đó là chúng ta có chút hiểu biết cuộc đời.