;
Lời ngỏ
Lưu dân của các Tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khốn khó đi lên Pleiku – Gia Lai làm phu đồn điền chè Biển Hồ cho người Pháp, kể từ đó ( năm 1936 ) ngôi chùa Bửu Minh cũng có mặt để vỗ về an ủi bà con nghèo khổ, sống trong giai đoạn đầy sơn lam chướng khí.
Chức năng của ngôi chùa là vậy, luôn gần gủi quần chúng nghèo khổ để trợ duyên cho những lúc bất hạnh nhất của kiếp người, chính vì thế mà hơn hai ngàn năm qua ngôi chùa còn hiện hữu.
Ngôi chùa là văn hoá gốc, ngôi chùa còn là văn hoá còn, văn hoá còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh vững bền mãi mãi. Chùa Bửu Minh đã hai lần trùng tu để tạ ơn đất nước, tạ ơn mọi loài chúng sanh cây cỏ, đất đá. Lần đại trùng tu này là một cách tạ ơn lớn, làm trang website “ chuabuuminh.vn “ cũng là cách nhớ ơn các vị tiền bối đã khai sơn phá thạch trong buổi đầu để hình thành ngôi chùa nhỏ bé trong xóm Cỏ May, và cũng là lời tạ ơn đến mười phương Phật tử, các nhà hảo tâm đã hiến cúng tịnh tài, vật liệu để ngôi chùa hoàn thành. Có nhỏ mới có lớn, có xưa mới có nay, có sơ sài tranh lá của ngày xưa, mới có bê tôn cốt thép hoành tráng, mỹ lệ của ngày hôm nay.
Ấp ủ nhiều năm mới hình thành được trang web, do vậy bài vở sưu tầm để đọc, nhiều khi quên mất xuất xứ. Nên khi dùng bài vở cũ nhập liệu cho nội dung trang web mới đã không biết được xuất xứ, kính mong chư thiện hữu trí thức xa gần lượng thứ.
Để cho trang nhà “ chuabuuminh.vn “ làm tròn được chức năng đem giáo lý từ bi trí tuệ của Đức Phật đến với mọi chúng sinh hữu duyên, kính mong Chư tôn đức, chư thiện hữu trí thức trong và ngoài nước, bố thí ,cúng dường cho trang nhà những bài viết, những bài sưu tầm có giá trị thực tiễn, văn chương là để tải Đạo. Và lời sau cuối, xin được cảm ơn các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia….cùng công ty thiết kế website Sacomtec đã trợ duyên kỹ thuật và bài vở, tư liệu cho website “ chuabuuminh.vn “ ra mắt chung vui với cuộc đời này.
Thích Giác Tâm
.............................
Giới thiệu sách: “Con về còn trọn niềm tin”, tác giả TT. Thích Giác Tâm
Bạn đọc Phật tử chúng ta từ lâu đã quen thuộc với cây bút Thích Giác Tâm trên các trang mạng Phật giáo. Nay những bài viết ấy, trải dài qua hơn 10 năm, đã được tập họp lại xuất bản thành sách, có tựa đề “Con về còn trọn niềm tin”. Ngoài những bài phân tích, bút ký, tạp văn, “Con về còn trọn niềm tin” còn gồm một số bài thơ của tác giả Thích Giác Tâm.
Tựa sách là một câu thơ trong câu lục bát:
“Con về còn trọn niềm tin
Câu kinh Không sắc xóa nghìn thương đau”.
Sách dày 364 trang, khổ 13 x 20, 5 cm, trình bày đẹp với trang bìa hình mái chùa cong vút. Sách do nhà xuất bản Phương Đông xuất bản đầu năm 2012. Tác giả cho biết, việc in sách chỉ là để tặng, biếu, có lẽ vì vậy nên sách không ghi giá bán.
Thầy Thích Giác Tâm, với những bài viết đã in trên báo, tạp chí và phổ biến trên mạng, đã thể hiện một phong cách viết văn riêng. Nay với quyển “Con về còn trọn niềm tin”, người đọc có thể cảm nhận phong cách đó rõ ràng hơn nữa.
Văn thầy Giác Tâm không cầu kỳ, không chải chuốt, bóng bẩy, mà ở đó, toát lên sự chân thực. Phong cách đó phù hợp với nội dung quyển sách và tựa sách. Nói lên “niềm tin” tức là phải nói bằng sự chân thực. Đọc “Con về còn trọn niềm tin”, người đọc hoàn toàn được thuyết phục bằng sự chân thực đó.
Thể ký chiếm một tỷ lệ lớn trong số những bài in trong tập sách. Những sự kiện, những tình huống, những số phận, những mảnh đời, những chi tiết mà tác giả ghi lại định hình như thật, như mới vừa xảy ra ngày hôm qua, như vẫn đang xảy ra. Tác giả không bình luận nhiều, cũng không gửi gấm trong đó nhiều xúc cảm, cứ kể lại thôi, mà nó làm xao xuyến lòng người đọc.
Với tựa đề “Con về còn trọn niềm tin”, điều trước tiên mà người đọc cảm nhận về mặt nội dung từ quyển sách, là niềm tin yêu Phật. Có những bài, niềm tin Phật được nói lên trực tiếp, cũng có bài niềm tin Phật sâu lắng trong cái nhìn, nếp nghĩ của tác giả. Tác giả tin yêu con đường mình đã chọn, tin yêu Đức Phật từ bi trí tuệ, tin yêu vào sự tuyệt vời của giáo pháp, tin yêu các vị đạo sư tiền bối, tin yêu đạo tâm của bạn đồng tu, của học trò đệ tử, tin yêu cả vào bản chất tốt đẹp của con người…
Vì vậy, trong quyển sách cũng không ít câu chuyện buồn, những cảnh đời ngang trái…, nhưng đọc xong người đọc vẫn thấy vui, vì tác giả đã truyền đến mình niềm vui, sự lạc quan, theo tinh thần “Câu kinh Không sắc xóa nghìn thương đau”.
Đã tin yêu thì phải nặng tình, tình đạo, tình đời, tình quê hương. Đọc “Con về còn trọn niềm tin”, người đọc sẽ như có một cuộc du hành về quê hương Pleiku của tác giả, quê hương thứ hai của những lưu dân miền Trung, với tất cả gian truân, ngọt ngào và tin yêu. Đất trời cao nguyên ẩn hiện chập chùng qua trang viết. Đó là bối cảnh của những câu chuyện vui buồn vắt ngang cuộc đời tác giả trong mấy mươi năm tu học. Người đọc thấy ở đó, với niềm tin yêu, ngôi chùa bắt đầu hình thành, xây dựng, trùng tu, vững chải kiên cố giữa nương trà mênh mông trùng điệp, vượt qua bao sóng gió của cuộc đời, bền bỉ với những kiếp người trên đường đạo.
Một cách giới thiệu sách thường được dùng là trích giới thiệu một đoạn trong quyển sách. Ở đây, chúng tôi xin trích lại bài thơ “Hoài niệm”, với mong muốn qua bài thơ, bài thơ, bạn đọc có thể hình dung về quyển “Con về còn trọn niềm tin” mà chúng tôi đang giới thiệu.
“Ngày vui bất chợt con buồn.
Thầy ơi con nhớ hồi chuông quê nhà.
Nhờ chùa cổ nhớ cây đa.
Nhờ Đàm Hoa nở Hồ trà ngát hương.
Nhớ xứ Thượng nhớ mù sương.
Nhớ từng gương mặt đoạn trường Thầy ơi.
Ngày vui thoảng qua mất rồi.
Riêng con kỷ niệm đầy vơi nỗi niềm.
Cho con như là loài chim.
Nhớ nhung vỗ cánh về tìm nguồn xưa.
Cho con làm hạt nước mưa.
Tưới trên quê mẹ sớm trưa khô cằn.
Cho con được là ánh trăng.
Đêm rằm về lại tung tăng quây quần.
Cho con sống không vong thân.
Biết mình hiện hữu hồng trần làm chi.
Đường con đi đường từ bi.
Trọn đời con nhớ khắc ghi bên lòng.
Mai này nguyện ước tròn xong.
Con xin trở lại Cửa Không hầu Thầy”.
Bài thơ chan chứa nỗi niềm sâu nặng của một nhà tu với quê hương, với Đạo Pháp, với thầy tổ, với bạn đồng tu, với bổn đạo… Đó cũng là nỗi niềm mà tác giả gửi gấm qua trọn quyển sách “Con về còn trọn niềm tin”.
Minh Thạnh