;
Hai giới giàu nghèo tuy có cuộc sống khác nhau, một bên có nhiều tiền bạc của cải, một bên thiếu thốn mọi bề; nhưng họ đều có chung một điều là sự khổ đau vì luôn bị sự giàu nghèo làm cho dính mắc. Thiếu thốn vật chất thì muốn có được đầy đủ, khi có rồi thì sợ hao hụt, mất mát nên bằng mọi cách cố gắng gìn giữ, do đó phát sinh tham lam, bỏn sẻn.
Những người giàu có ta đừng tưởng họ sung sướng, hạnh phúc. Có khi họ còn khổ sở hơn người nghèo bởi tiền bạc, của cải nhiều không mang lại cuộc sống an vui, hạnh phúc. Tâm người giàu luôn lo sợ bị mất mát của cải, vật chất họ đang có nên họ khổ. Cũng vậy, những người nghèo lại quá khó khăn nên cuộc sống luôn vất vả, nhọc nhằn mà không có một ngày no đủ. Chính vì vậy, nỗi khổ, niềm đau đối với họ là lẽ đương nhiên.
Trong hai hạng người giàu và nghèo thuộc giới cư sĩ tại gia chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều gương người tốt, việc tốt với tinh thần dấn thân, đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội. Họ có thể làm vua, làm thủ tướng, làm giám đốc, làm bác sĩ, làm luật sư, làm giáo viên, hay chỉ là những người dân bình thường với đủ thứ ngành nghề khác; nhưng nhìn kỹ vào việc làm của họ ta mới biết họ là những vị Bồ tát đem chất liệu bình an đến cho tha nhân, họ sống thương người, giúp đời một cách bình đẳng mà không bao giờ nghĩ đến quyền lợi riêng tư.
Đó là những vị Bồ tát theo tinh thần của Kinh Pháp Hoa mà chúng ta cần phải thấu suốt để cùng hợp tác trên bước đường tu học chuyển hóa tham-sân-si. Thế giới con người chúng ta luôn có những vị Bồ tát như vậy thì xã hội mới giảm bớt sự tối tăm, mờ mịt. Các vị Bồ tát luôn hiện thân ở đời với nhiều hình thức để ủng hộ, duy trì, gìn giữ Phật pháp; đem nước mát từ bi rưới khắp nhân gian nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Đối với hai hạng người tại gia giàu và nghèo Phật cũng tùy theo căn cơ mà hướng dẫn cho họ tu học để được lợi lạc. Người giàu có tượng trưng cho chư Thiên đã tạo quá nhiều phước ở đời trước nên đời này được hưởng phước báu đầy đủ tiện nghi vật chất.
Người nghèo vì không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia trong nhiều đời nên hiện tại phải chịu quả báo thiếu thốn, khó khăn. Nếu người giàu ỷ lại mình có nhiều phước báo mà vui chơi sa đọa thì đến khi phước hết họa đến cũng chịu nhiều bất hạnh, khổ đau. Cũng vậy, tuy nghèo trong hiện tại nhưng nhờ biết tin sâu nhân quả mà ta cố gắng làm lành, tránh dữ thì trong tương lai cũng có thể chuyển được kiếp nghèo khó và ngày càng hoàn thiện chính mình.
Nhưng cuộc sống của thế gian nếu có hạnh phúc lắm cũng chỉ là tạm bợ trong 3 cõi 6 đường luân hồi-sinh tử. Vì lòng từ bi vô hạn Phật chỉ ra những phương pháp cho người tại gia dù giàu hay nghèo đều được học hỏi và tu tập để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc lâu dài.
Xã hội ngày nay có rất nhiều vị Bồ tát ủng hộ xây chùa, in Kinh, đúc tượng, truyền bá Phật pháp và giúp đỡ người bất hạnh, khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền các cấp cho phép và nhất là các cư sĩ Bồ tát tại gia hoan hỷ, vui vẻ, hết lòng đóng góp, hỗ trợ nên mọi việc mới được thực hiện tương đối dễ dàng.
Đối với những Bồ tát chọn cuộc sống tại gia để hộ trì Tam bảo Đức Phật hướng dẫn con đường tu Nhân thừa siêu thoát. Đó là 5 giới pháp nhiệm mầu giúp chuyển hóa si mê, tối tăm, mời mịt thành trong sáng, hiện thực bằng tấm lòng từ bi rộng lớn.
Đức Phật thường quan tâm thương xót đến hai hạng người giàu và nghèo tại gia để tìm cách giúp đỡ họ vượt qua biển khổ sông mê, hướng họ đến đời sống thánh thiện bằng cách quy hướng Tam bảo và thọ trì 5 giới pháp.
Hai giới tại gia và xuất gia sống tốt đẹp như vậy nhờ biết kết hợp hài hoà làm cho đạo Phật được phát triển và hưng thịnh. Nếu chỉ có giới xuất gia tu học mà không có người tại gia ủng hộ tích cực về mọi phương diện thì đạo Phật sẽ không thể phát triển rộng rãi được.