;
Theo quan niệm của Phật giáo Bắc truyền, ngày Đức Phật thành Đạo diễn ra vào ngày mùng 08 tháng 12 Âm lịch hằng năm. Theo Phật giáo Nam truyền, ngày Phật
thành Đạo diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak. Tuy nhiên hiện nay, thời gian diễn ra sự kiện quan trọng này đã được chọn là ngày 08 tháng 12 Âm lịch và là ngày mang tính phổ biến trong hai truyền thống Phật giáo Nam Tông, Bắc Tông Ngày Phật thành Đạo như một thiên di lịch sử đầy miên mật, vĩ đại và ngập tràn ý nghĩa diệu kỳ trên con đường tìm đến với sự giải thoát, giác ngộ, đưa con người vượt qua những thống khổ, tìm đến niết bàn và không còn sợ hãi trong biển bờ sinh tử.
Hôm nay, nhân kỷ niệm mừng ngày Phật thành Đạo (ngày 08 tháng 12 Âm lịch) chúng con, những người Phật tử xin được tưởng nhớ lại những dấu mốc trong cuộc đời thành Đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni để cùng nhau gia cố hạnh nguyện tu tập của bản thân mình.
1. Đức Phật từ bỏ cuộc sống vương quyền để đi đến con đường tầm đạo
Năm ấy, Thái Tử Tất Đạt Đa tròn 19 tuổi, Ngài từ bỏ tất cả xa hoa, quyền quý của bậc vương giả, từ biệt Phụ vương, rời bỏ ngai vàng, vợ con…để đi tìm con đường thoát khỏi Sinh – Lão – Bệnh – Tử hầu tự cứu mình và cứu tất cả chúng sanh sau khi nhìn thấy hình ảnh những người bệnh tật, già nua, những người đang sợ hãi trước cái chết, và sự thống khổ của những người đói nghèo.
Sau những tháng ngày tầm Sư học đạo, chịu mọi khổ hạnh nơi rừng già, Ngài đã thọ giáo các bậc tiên nhân nổi tiếng như Àlàra Kàlama, Uddaka Ràmaputta và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Thế nhưng, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới, và cuối cùng, đức Phật đã nhận ra rằng, chẳng cần tìm cầu bên ngoài mà chỉ nên tìm học ngay ở chính bản thân mình. Ngài đã chỉ cho chúng ta biết được rằng muốn tự giải thoát mọi khổ đau, thực nghiệm chân lý thì mỗi người phải “tự thắp đuốc lên mà đi”.
Trong Kinh điển kể lại rằng đức Phật là người đã tu khổ hạnh đệ nhất, nghĩa là tự Ngài hành xác mình khốc liệt nhất. Không có những hình thức khổ hạnh nào mà Ngài không thực hành.
Tuy nhiên, sau 6 năm tu khổ hạnh, Ngài nhận ra khổ hạnh không giúp Ngài chứng ngộ mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu vẫn tiếp tục đi theo con đường hành xác là sự bảo thủ vô minh. Từ đó, Ngài đã đi tìm con đường Trung Đạo, đây là cách tu tập không lợi dưỡng nuông chiều tấm thân bằng thức ăn, vật chất, nhưng cũng không đầy đoạ mình bằng những pháp môn khắc nghiệt, mà gìn giữ sức khoẻ để tinh thần minh mẫn, đủ sức tu hành. Đây là lần tỉnh ngộ thứ 3 của đức Phật trên con đường tìm Pháp tu tập. Sau đó, đức Phật đã chọn phương pháp thiền định cho đến khi chứng đạo.
Trong 6 năm tu khổ hạnh, Ngài đã cắt đứt mọi nhân duyên và tri kiến thế gian, đồng thời Ngài đã dẹp được dục lậu, không còn tham đắm với tài, sắc, danh, thực, thuỳ nữa. Những thứ này chính là một trong ba cái lậu của lậu hoặc. Ba cái lậu đó là: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chính là nguyên nhân của luân hồi sinh tử.
Sau 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ đề gần dòng sông Ni Liên Thiền. Ngài đã chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, Ngài đã chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma. Đến canh một Ngài chứng Túc mạng Minh; Canh hai Ngài chứng được Thiên nhãn Minh; Canh ba, Ngài quán chiếu sâu thẳm của vô thỉ vô minh, thấu tột cội nguồn các pháp, tâm Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi Dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu lậu (ô nhiễm sự luyến ái của đời sống) và Vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh), dứt hẳn sanh tử luân hồi, khổ đau vạn kiếp.
Đến canh tư đêm đó, khi cơn mưa và sấm sét dần tạnh, nhìn sao mai mọc cũng là lúc Ngài hoàn toàn chứng được Tam minh, thành tựu ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác và thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi, nhằm ngày mùng 08 tháng 12 Âm lịch, năm 584 TCN.
Tiến trình giải thoát của đức Phật cho thấy sự giải thoát giác ngộ của Ngài là cả một quá trình tuần tự qua 9 cấp bậc thiền chứng, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định, để cuối cùng đoạn diệt các lậu hoặc, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Tiến trình này cũng chứng tỏ không có vấn đề hoát nhiên đại ngộ. Sự thành Đạo của Ngài là cả một quá trình tu chứng kiên trì lâu dài bền bỉ, luôn luôn hướng thượng như trong Kinh đã diễn tả.
Con đường thiền định của Ngài đã diệt tận khổ đau, phiền não. Là yếu chỉ, bí quyết giải thoát tất cả mọi bộc, mọi lưu, mọi triền, mọi phược, mọi kiết, mọi sử... ngủ ngầm trong hố thẳm vô thức từ vô lượng kiếp.
Là giáo pháp vô năng thắng. Là cái mà từ quá khứ, hiện tại, vị lai chưa có mặt trên cuộc đời. Như vậy là cái thấy của Bồ tát Tất Đạt Đa đã ở ngoài sinh tử, đã vượt thoát sinh tử.
Sau khi thành Đạo, Ngài được mọi người gọi là Phật Cồ Đàm (Gotama Buddha). Đệ tử của Ngài thì gọi Ngài là Đức Thế Tôn, những người khác gọi Ngài là Tôn Giả Cồ Đàm hay Sa Môn Cồ Đàm.
Ngài cũng được gọi là Thích Ca Mâu Ni (Sakkamuni (P) hay Sãkyamuni (Skt) có nghĩa là vị Thánh yên lặng bộ tộc Thích Ca. Về sau, Ngài còn được tôn vinh qua mười Phật hiệu là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ/Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
2. Tiến trình tu chứng của đức Phật qua hai giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Qua 4 tuần thiền định dưới cội Pipphala (Bồ Đề), chứng ngộ 3 minh là Túc Mạnh Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Giải đáp được bài toán giải thoát luân hồi sanh tử. Chứng ngộ Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đưa ra con đường tu tập để đạt trạng thái Niết Bàn chấm dứt khổ đau là 8 nhánh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Tiến trình chứng ngộ hoàn toàn này, thuật ngữ Pàli gọi là Abhisamaya.
Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định
Giai đoạn thứ hai: Vào tuần lễ thứ 7, Ngài chứng ngộ: Chân Như tánh (Tathatà), Bất Ly Như tánh (Avitathatà), Bất Dị Như tánh (Anatathà), Y Duyên tánh (Idappaccayatà) tức Lý Duyên Khởi, Không tánh, Huyễn tánh và Bình đẳng tánh của thế giới hiện tượng.
Qua tiến trình thực nghiệm tâm linh, Ngài đã chứng ngộ những điều từ trước chưa ai biết và đến nay những điều chứng ngộ của Ngài vẫn còn giá trị. Lúc đó Ngài mới thực sự chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thuật ngữ gọi là Anuttara-Sammà-Sambodhi trở thành một vị Phật lịch sử.
3. Ý nghĩa ngày Phật thành Đạo trong nước và trên thế giới:
Đức Phật đã từng nói rằng “Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành” cho thấy rằng, mỗi chúng sinh đều có sẵn Phật tánh bên trong, nếu chúng ta biết sống như Phật, nghĩ như Phật, nói như Phật và làm như Phật thì chúng ta đều có thể thành Phật, không có sự loại trừ hay phân biệt là ai, là chủng thể nào, thế nhưng điều đó nghe tuy dễ nhưng không dễ vì không có nghĩa là ai cũng có thể thành Phật nếu không nuôi dưỡng tâm từ bi, không có tinh thần hướng thượng, không tìm được cho mình con đường đoạn diệt mọi khổ đau, đoạn diệt “Tham – Sân – Si” vốn là tường thành kiên cố trong mỗi con người và nếu không “Sống và làm đúng như lời Phật dạy”.
Con đường để mỗi chúng sinh đến được với Phật không phải ngày một ngày hai, bằng lời nói hay chỉ bằng việc làm đơn thuần bề nổi mà phải là sự giao thoa kết hợp từ nhiều yếu tố của sự thông tuệ, thiện lành, từ ngôn ngữ cho đến hành động, từ ý nghĩ cho đến hành trì, nếu không có sự tu tập miên mật, bền bỉ hoặc thiếu đi tính chân thật, thuần thành thì cũng không thể trở thành Phật được.
Ngày đức Phật thành Đạo chính là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử văn minh nhân loại, Ngài đã mở ra con đường khai quang tối thắng, tận diệt khổ đau. Trải qua nhiều khắc nghiệt, thử thách, Ngài đã tìm được con đường giải thoát chúng sinh khỏi những mê lầm, chấp ngã, thoát khỏi sợ hãi từ những viễn mộng trong cuộc sống tha nhân.
Đức Phật đã chiến thắng ma quân, Ngài đã mở cánh cửa bất tử cho tất cả chúng sinh và Ngài cũng đã chứng minh mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát, đây cũng chính là dịp để cho các tăng ni, phật tử hiểu thêm về cuộc đời hành đạo của đức Phật.
Giúp chúng ta hiểu được quá trình mà đức Phật vượt qua khó khăn, thoát khỏi mê, ái, dục, chuyển hóa nội tâm và mang đến lợi ích cho nhân loại, hướng đến một tâm hồn rộng mở, phát triển trí tuệ và cuối cùng tìm được con đường Trung Đạo giúp con người tìm được sự an lạc ở chính trong tâm của mình.
Tại Việt Nam, ngày đức Phật thành Đạo thường được tổ chức long trọng, trang nghiêm và kết hợp nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa, đồng thời cũng là dịp tổ chức đại lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, quốc gia hưng thịnh.
Ngày nay, Bồ đề tọa nơi đức Phật thành Đạo đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, được tổ chức UNESCO công nhận và là một trong bốn Tứ Động Tâm hay bốn Thánh tích quan trọng nhất của người Phật tử khắp năm châu. Trong tiếng Anh, người ta chỉ dùng chữ Holy Places (tức Thánh địa) để chỉ cho nơi này chứ không có từ tương xứng như từ Tứ Động Tâm. Tứ Động Tâm có nghĩa là những nơi khiến cho người nào một khi tới đó thì đều cảm thấy xúc động, tâm trí xao động, hướng thiện, làm lành tránh dữ, xa rời việc ác.
Bằng sự chứng thực, đa số người con Phật khi đến bốn Thánh Tích đó (Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật Đản sinh; Bồ đề đạo tràng, nơi Phật thành Đạo; Vườn Nai, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên; Câu Thi Na, nơi đức Phật Niết bàn) đều rơi lệ, tâm hồn thổn thức, Bồ đề tâm càng tăng trưởng.
Nhân ngày Lễ Phật thành Đạo, mỗi Phật tử bày tỏ lòng tôn kính, mộ đạo của mình bằng cách lan tỏa những điều lành, ăn chay, niệm Phật, hồi hướng và gieo trồng công đức, bố thí cúng dường, phát tâm làm những điều thiện nguyện nhằm lan tỏa ánh sáng từ bi của Phật, hóa giải mọi đau thương, thù hận, mang đến tình đoàn kết yêu thương, nguyện cầu cho mọi chúng sinh đều giữ được trong mình hạt mầm của Phật! Cùng nhau góp phần xây dựng đời sống Phật pháp được rạng rỡ, thuần thành, cùng sống an vui và làm những điều tốt đời đẹp đạo!
Võ Đào Phương Trâm (Tổng hợp)