;
Cuộc sống là một dòng chảy, mang hơi thở với sự nhộn nhịp, hối hả. Để có một phút giây an tịnh trong thực tại, con người cần phải thực tập chánh niệm.Vậy chánh niệm là gì? Vì sao con người cần sự chánh niệm trong đời sống? Và lợi ích từ sự chánh niệm giúp con người đạt được kết quả như thế nào? Có phải chăng đó là câu hỏi để cho mọi người chúng ta nên tự đặt ra để điều phục thân tâm mình?
Chánh niệm là một sự tu tập để điều phục thân tâm quay về an trú trong giờ phút hiện tại, giúp mọi người kiểm soát được ý thức các việc đang làm, đang xảy ra, hiện hữu và ý thức được rằng đó là việc quan trọng nhất trong giờ phút hiện tại. Sở dĩ chúng ta phải thường thực tập, duy trì chánh niệm trong đời sống hằng ngày là để ý thức về sự sống của chính bản thân mình. Làm chủ được suy nghĩ, lời nói, hành động của mình, hướng chúng vào điều thiện, điều lành để tạo ra cảnh giới an lành cho mình và mọi người.
Đối với ngoài xã hội, vì cuộc sống mưu sinh người ta phải buôn tần bán tảo, suy nghĩ, toan tính, làm việc vất vả để lo cho gia đình. Khi làm việc, nếu mọi người ý thức được hành động, việc làm thì kết quả đạt được sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu họ không chánh niệm trong công việc thì kết quả sẽ giảm sút, thậm chí có thể thất bại nặng nề. Cũng như một vị bác sĩ khi tiến hành một ca phẫu thuật, người này phải rất chú tâm trong từng suy nghĩ, việc làm của mình. Vì nếu không có chánh niệm trong công việc chỉ cần một phút lơ là, chủ quan thì lưỡi dao có thể cướp đi mạng sống của bệnh nhân. Hoặc những người tham gia giao thông nếu như thiếu đi sự chánh niệm tỉnh thức thì rất dễ xảy ra tai nạn… Vậy nên, sự chánh niệm tỉnh thức là vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
Đối với người tu hành thì việc giữ tâm an trú trong giờ phút hiện tại là rất quan trọng. Phương pháp thực hành chánh niệm trong từng cử chỉ, hành động, hay trong cách đi, đứng, nằm, ngồi đều được hướng dẫn thực hành một cách thận trọng. Đó là những oai nghi, tế hạnh, những điều căn bản để tạo nên phẩm chất, đức hạnh của một người xuất gia. Nếu không có sự chánh niệm tỉnh thức thì thân tâm dễ bị buông lung theo ngũ dục lục trần. Khi mắt tiếp xúc với sắc đẹp, tai nghe lời êm dịu, mũi ngửi được hương thơm, lưỡi nếm vị ngon ngọt thì ý thức sẽ bị lôi cuốn theo những khoái lạc mà không hề hay biết. Thực tập chánh niệm sẽ giúp chúng ta an trú trong hiện tại, phòng hộ các căn để không bị dục lạc làm nhiễu loạn. Đó là nền tảng trong tất cả các pháp môn. Hành trì giới luật cũng là một trong phương pháp để đưa tâm trở về với chánh niệm tỉnh thức. Trong luật tỳ-ni đã hướng dẫn rất kỹ cho chúng ta về điều này. Mỗi cử chỉ, lời nói hay việc làm đều có những câu kệ, chú để nhắc nhở, thu nhiếp tâm chúng ta trở về với thực tại. Khi nghe tiếng chuông liền đọc thầm bài kệ:
Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
Cho nên sự chánh niệm giúp chúng ta diệt trừ được phiền não, chế ngự thân, khẩu, ý không cho buông lung, phóng túng theo trần cảnh bên ngoài. Hay khi ăn cơm, khi cạo tóc, khi ngủ nghỉ,… cũng đều có những bài kệ, chú để giúp tâm luôn luôn sống trong tỉnh thức.
Trong giáo pháp của đức Phật có rất nhiều phương pháp để giúp tâm được chánh niệm tỉnh thức. Khi tụng kinh, tâm sẽ được an trú trong từng lời kinh tiếng kệ, chúng ta sẽ được hiểu sâu hơn về những lời dạy của đức Phật. Khi đã hiểu thì sự tu tập sẽ không bị lệch lạc, mà trái lại sẽ làm cho niềm tin của mọi người đối với Phật Pháp càng thêm sâu sắc. Bởi vì căn cơ của chúng sanh không đồng nhau nên đức Phật đã tùy duyên mà chỉ dạy những pháp môn khác nhau như: tụng kinh, niệm Phật, trì chú,… nhưng cốt yếu cũng chỉ là điều phục tâm chúng ta sống trong sự tỉnh thức, an lạc trong giờ phút hiện tại.
Niệm Phật là pháp môn thông dụng và dễ thực hành lại phù hợp với nhiều hạng căn cơ khác nhau. Khi hít vào thì biết mình đang hít vào đồng thời niệm Nam Mô A, khi thở ra thì biết mình đang thở ra và niệm Di Đà Phật. Từng câu, từng chữ phải ý thức được rõ ràng thì những tạp niệm, cấu uế sẽ từ từ gột rửa và tâm an lạc thanh tịnh sẽ được hiển bày.
Hít vào Nam Mô A
Thở ra Di Đà Phật
Niệm và thở hợp nhất
Cực lạc giây phút này.
Trong kinh Di Giáo đức Phật đã từng dạy cho các vị đệ tử rằng: “Các thầy Tỳ-kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ đều chẳng bằng không quên chánh niệm. Không quên chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí, mất chánh niệm là mất công đức. Nếu chánh niệm vững mạnh thì dù vào trong đám giặc ngũ dục cũng không bị chúng sát hại, tựa như chiến sĩ lâm trận mà được mặc áo giáp lát đồng thì không còn sợ gì nữa, đó là hạnh không quên chánh niệm”
Tóm lại, trong cuộc sống hay trên bước đường tu tập giải thoát luôn cần có sự chánh niệm tỉnh thức, để sáng suốt nhận định và vượt qua những chông gai, thử thách, tự chủ thân tâm của mình. Thực hành chánh niệm cũng là thực hành tu giới, định, tuệ. Đây là con đường chân chánh để giúp chúng ta có được an lạc, giải thoát ngay trong hiện đời.Tóm lại, trong cuộc sống hay trên bước đường tu tập giải thoát luôn cần có sự chánh niệm tỉnh thức, để sáng suốt nhận định và vượt qua những chông gai, thử thách, tự chủ thân tâm của mình. Thực hành chánh niệm cũng là thực hành tu giới, định, tuệ. Đây là con đường chân chánh để giúp chúng ta có được an lạc, giải thoát ngay trong hiện đời.
Tâm Tú