;
Bên Công giáo có những linh mục tu kín (tu dòng), và có những linh mục tu triều (đi
các giáo xứ truyền đạo). Phật giáo cũng vậy. Có những nhà sư thích tu ẩn dật, ít va chạm với xã hội. Có những nhà sư tu nhập thế, vừa lãnh đạo giáo hội, vừa làm trụ trì chùa, thường tiếp xúc với đời để truyền bá đạo Phật.
Hằng ngày những nhà sư này phải giao tiếp với nhiều thành phần xã hội, chín người mười ý, không phải ý ai cũng giống ý họ.
Để đối nhân xử thế dung hòa, những nhà sư tu nhập thế phải linh động uyển chuyển như đang làm dâu trăm họ. Nhiều lúc họ mệt mỏi thấu tận tâm can. Làm phật sự lợi đạo ích đời tốt, được mọi người tôn trọng, khen ngợi. Chẳng may lơ là sơ suất chút xíu gì, bị thiên hạ nói nặng nói nhẹ sấp mặt.
Các nhà sư tu nhập thế mới nhìn bề ngoài tưởng họ ăn sung mặc sướng, kỳ thật bên trong họ phải hy sinh rất nhiều và thậm chí còn khổ tâm hơn cả các nhà sư tu ẩn dật.
Tu nhập thế mà giữ cho tâm hồn mình trong sạch, không bị danh lợi ở đời cám dỗ là chuyện không hề ĐƠN GIẢN chút nào.
Đức Phật Thích Ca và Đức vua Trần Nhân Tông đều có cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, kẻ hầu người hạ, nhưng hai ngài đều buông bỏ tất cả để tu hành giải thoát sinh tử khổ đau. Đây mới chính là sự buông bỏ vĩ đại.
Còn trên thực tế, một người không có bất cứ một thứ gì từ công, danh sự nghiệp cho đến tiền tài danh vọng, chỉ tập ăn ngày một bữa, mặc áo chắp vá, suốt ngày đi bộ để rèn luyện sức khỏe. Thử hỏi, người này có gì để buông bỏ để mà ta tôn sùng tâng bốc như là Phật sống, như là hồi chuông cảnh tỉnh cho hàng vạn tăng ni nhỉ ?
Có những nhà sư tu nhập thế, do tích đức tu nhân nhiều kiếp trước, họ hiện có những gì mà người đời có thể có, chỉ thua Đức Phật Thích Ca và Đức vua Trần Nhân Tông. Tuy họ chưa buông bỏ như hai ngài, nhưng họ cũng chẳng DÍNH MẮC nặng lòng với những thứ mà mình đang có.
Nói về các nhà sư nhận tiền dâng cúng của bá tánh, cần phải hiểu nghiêm túc rằng các nhà sư cầm tiền của bá tánh cúng dường sử dụng vào mục đích gì? Để tiêu xài hoang phí, ăn chơi trác táng, thọ hưởng lạc thú, vinh thân phì da cho bản thân mình? Hay họ cầm tiền của tín đồ để chi tiêu vì lợi ích cộng đồng xã hội, vì sự truyền bá đạo Phật mang an lành, lợi lạc đến với mọi người ?
Cố Hoà thượng Thích Quảng Khâm, người Đài Loan, tu khổ hạnh trên 60 năm, trụ trì ngôi chùa khá lớn. Khi cố Hoà thượng qua đời, thọ 104 tuổi, ông để lại một tài sản khổng lồ - hàng trăm triệu Đài tệ với di nguyện hiến gần trọn số tài sản khổng lồ đó cho các trường đại học ở Đài Loan để cấp phát học bổng cho các sinh viên nghèo khổ và để dành cho hoạt động giáo dục con người. Di nguyện của ông chỉ để lại một phần tài sản rất nhỏ cho ngôi chùa ông làm trụ trì để dùng trong các sinh hoạt phật sự.
Tuy sinh thời cố Hòa thượng Quảng Khâm có khối tài sản khổng lồ, nhưng không ai ở Đài Loan chỉ trích ông tu khổ hạnh mà còn phạm giới giữ kim ngân, vàng bạc, đá quý. Từ Tổng thống đến phật tử Đài Loan, ai ai cũng kính trọng đức tu hành của ông.
Ông nhận tiền của bá tính cúng dường vì lòng từ bi của ông muốn tạo cơ duyên cho phật tử tu phúc, thực tập hạnh buông bỏ. Chứ bản thân ông khi tu khổ hạnh đầu đà ở trong rừng thiêng nước độc, ăn mỗi ngày một bữa toàn rau rừng. Và đến khi ông hạ sơn tạo lập chùa chiển để truyền bá giáo lý Phật đà, ông cũng chỉ ăn một tuần một bữa với chén cơm rau, còn lại uống nước lọc là chính. Như thế cố Hòa thượng cầm tiền bá tánh cúng dường để làm gì?
“Mía sâu có đốt, nhà dột có chỗ”, không nên vơ đủa cả nắm. Vì vậy, chỉ những nhà sư nào cầm tiền của bá tính để chi tiêu cho bản thân không chính đáng mới đáng bị LÊN ÁN mà thôi.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật