;
21. Người tăng sĩ lấy họ Thích từ lúc nào?
Hỏi: Tại Việt Nam, tất cả tu sĩ Phật giáo không phân biệt nam nữ đều lấy họ Thích. Xin cho biết truyền thống nầy chỉ có ở Việt Nam hay còn được áp dụng tại một vài quốc gia khác nữa? Ngoài ra, cũng xin cho biết truyền thống nầy phát xuất từ nguyên do nào và từ khoảng nào trong lịch sử?
Đáp: Về câu hỏi thứ nhứt, xin được giải đáp qua 2 phương diện :
Thứ nhứt, xét chung, trên nguyên tắc, thì không riêng gì tu sĩ Phật giáo Việt Nam, mà tất cả tu sĩ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, đều mang chung họ Thích cả. Vì Đức Phật là họ Thích. Những vị nầy được mệnh danh là con đầu lòng của chánh pháp; là trưởng nam của lịch sử truyền thừa, là con của đấng Điều Ngự, thì lẽ đương nhiên là các ngài phải lấy họ Thích rồi. Xét chung trên nguyên tắc là như thế.
Thứ hai, nếu xét riêng, thì có khác. Vì việc lấy họ Thích, không phải là một quy luật chung áp dụng cho tất cả. Vấn đề nầy, còn tùy theo đặc tính và sở thích của mỗi người. Không phải ai cũng đặt cho mình là họ Thích cả, ít ra là về cách xưng hô cũng như trên những văn kiện giấy tờ. Đối với những tu sĩ Phật giáo Việt Nam, có rất nhiều vị, kể từ khi xuất gia cho đến khi viên tịch, các Ngài không bao giờ lấy chữ Thích.
Không những thế, có vị còn để ngay tên đời của mình trên những kinh sách đã trước tác cũng như dịch thuật. Trường hợp như cố Đại Lão Hòa Thượng Hành Trụ, Ngài thường để là Sa Môn Lê Phước Bình. Còn nhiều vị khác nữa. Chỉ nêu đơn cử thế thôi. Có nhiều vị chỉ để pháp danh hay pháp hiệu mà thầy tổ đã đặt cho, hoặc là lấy bút hiệu gì đó v.v... chớ các Ngài không tự xưng mình là Thích.
Đọc sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy sử ghi lại các bậc cao tăng thạc đức thời xưa, hầu hết các Ngài không bao giờ để họ Thích trước pháp danh hay pháp hiệu của các Ngài. Như Vạn Hạnh, thì để là Vạn Hạnh, còn hai chữ Thiền sư do người ta tôn xưng Ngài, vì Ngài tu thiền đạt ngộ được lý Thiền, nên người ta gọi Ngài là Thiền sư. Chỉ có thế thôi.
Riêng về các quốc gia khác, theo chỗ chúng tôi được biết qua một số tài liệu sách báo, thì chúng tôi không thấy họ để chữ Thích (Sàkya) bao giờ. Ngoại trừ Phật Giáo Trung Hoa và Đài Loan, hiện nay thì có một số vị lấy họ Thích. Nhưng phần nhiều chúng tôi thấy họ thường để 2 chữ Pháp sư ở đầu. Như Pháp Sư Tịnh Không chẳng hạn.
Về câu hỏi thứ hai, nguyên nhân và thời điểm nào lấy họ Thích? Xin thưa: Về vấn đề nầy, trong quyển Từ Điển Phật Học Hán Việt có nêu rõ như sau: “Đạo Phật hồi mới truyền sang Trung Quốc, các tăng còn được gọi bằng họ thế tục của mình, hoặc lấy họ Trúc, hoặc lấy họ của bậc sư phụ, như ngài Chi Độn vốn họ Quan, vì sư phụ là ngài Chi Khiêm, nên lấy họ là Chi. Ngài Bạch Đạo Du vốn họ Phùng, học với ngài Bạch thi lê mật đa, nên lấy họ Bạch.
Đến ngài Đạo An, một cao Tăng Trung Hoa đời Đông Tấn (312 - 385) tức thế kỷ thứ tư Tây Lịch, mới bắt đầu nói: Đức Phật có họ là Thích Ca, nay những người xuất gia nên theo họ của Phật, tức họ Thích. Về sau khi Kinh A Hàm được đem về, trong Kinh cũng nói như vậy. Do đó khắp thiên hạ đều theo. Trong quyển Dị Cư Lục 22 có chép: “Sa môn từ thời Ngụy Tấn lấy họ theo của thầy dạy. Ngài Đạo An suy tôn Đức Thích Ca, bèn lấy chữ Thích làm họ. Sau lại thấy A Hàm nói: Bốn con sông nhập vào bể, không còn có tên của con sông. Bốn họ Sa môn, đều dòng họ Thích. Từ đấy trở thành lệ cố định, các Sa môn bắt đầu lấy họ Thích.”
22. Sự khác biệt giữa Tứ Đại Và Thất Đại?
Hỏi: Ý nghĩa Tứ đại và Thất đại khác nhau như thế nào?
Đáp: Tứ đại và thất đại đương nhiên là có sự khác biệt. Tứ đại là nói theo kinh điển của hệ Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) ý nghĩa của nó hạn hẹp. Còn nói thất đại là nói theo hệ Phật Giáo phát triển (Đại Thừa). Ý nghĩa của nó rộng hơn.
Tứ đại gồm có: đất, nước, gió, lửa. Bốn yếu tố nầy kết hợp lại chỉ tạo nên một vật thể mà thôi. Đất là chất cứng, tức ở thể đông đặc. Nước là chất trơn, tức ở thể lỏng. Gió là chất động, tức ở thể hơi (biến dịch). Lửa là chất nóng, tức ở thể ấm. Lẽ ra phải thêm vào một đại nữa đó là không đại. Vì bất cứ vật thể nào, nó cũng cần có những lỗ trống để thở mới sinh tồn được. Như thân người cần phải có những lỗ trống, thì máu huyết mới lưu thông và hơi thở (phong đại) mới vận hành điều hòa. Nhờ thế, con người mới sống được. Điều nầy, khoa học đã chứng minh cho chúng ta thấy rất rõ qua kiến hiển vi.
Nói thất đại ngoài 4 yếu tố: đất, nước, gió, lửa ra, người ta còn thêm vào 3 đại nữa, đó là không đại, kiến đại và thức đại. Riêng về kiến đại và thức đại, nghĩa của nó cũng có rộng hẹp khác nhau. Kiến đại cũng là sự hiểu biết, nhưng ở một trình độ thấp hơn thức đại. Như các loài thú vật, thuộc loại động vật hạ đẳng, trình độ hiểu biết nhận thức của chúng so với loài người thì kém hơn nhiều. Do đó, chúng chỉ có kiến đại chớ không có thức đại, chỉ có loài người mới có đầy đủ cả 7 đại mà thôi.
23. Phóng sanh như thế nào mới đúng ý nghĩa?
Hỏi: Vào những ngày Đại Lễ của Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan, con thường thấy một vài Phật tử mua chim hay bồ câu để phóng sanh. Nhưng họ mua không thả liền, mà họ đem vô chùa để nhốt chờ quý thầy làm lễ rồi mới thả. Có khi thầy bận việc, không làm lễ liền phải nhốt chúng trong lồng có khi qua cả đêm đến sáng hôm sau, đợi đến lúc thầy rảnh mới làm lễ thả, hoặc có khi phải chờ đến giờ hành lễ chánh thức (trường hợp như lễ Phật Đản) mới phóng sanh. Xin hỏi: Phóng sanh như thế có đúng với ý nghĩa phóng sanh hay không? Và người mua vật để phóng sanh như thế có phước đức nhiều không?
Đáp: Điều nầy, nếu xét kỹ, ta thấy không đúng với ý nghĩa phóng sanh cho lắm. Thật ra, đúng nghĩa phóng sanh là sau khi mua con vật phải thả ngay. Động cơ phóng sanh là gì? Phải chăng tất cả đều do lòng từ bi mà ra. Vì lòng từ bi, nên thương xót con vật nào đó đang bị đau khổ kêu la cầu cứu.
Chúng ta vì thương chúng không nỡ nhìn thấy chúng phải chết một cách đau thương, nên người Phật tử động lòng trắc ẩn từ bi mà bỏ tiền ra để mua chúng. Nhưng sau khi mua xong, thì tức tốc phải thả chúng ra ngay, để chúng được tự do thoải mái.
Người xưa nói: “Nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại.” Nghĩa là: một ngày bị nhốt trong lao tù, bằng một ngàn năm sống được tự do ở bên ngoài. Như thế, thì mới đúng với ý nghĩa phóng sanh. Và như thế, mới thực sự có phước và mới thực sự là thể hiện đúng với lòng từ bi Phật dạy.
Ngược lại, đằng nầy không thế. Mua rồi phải đem vô chùa chờ thầy làm lễ mới phóng thích. Gặp lúc thầy bận việc, không quan tâm tới, thế là những con vật bất hạnh kia phải kêu la, chen lấn đạp nhau trong lồng, thật là đau khổ. Nếu chúng nói được, thì chúng sẽ cất cao giọng mà nói to lên rằng: “Xin mọi người hãy thương xót chúng tôi mà làm ơn thả chúng tôi ra ngay, chớ đợi tới giờ mới làm lễ rồi khi làm lễ, thầy lại kéo dài giọng tụng ê a nữa, như thế chắc là chúng tôi phải chết mất đi thôi! Thà rằng hãy để cho người ta bắt chúng tôi mà họ làm thịt xơi chúng tôi đi, thì chúng tôi khỏi phải kéo dài sự đau khổ lê thê như thế nầy! Chớ các người ra ơn tế độ chúng tôi cái kiểu nầy, thì thật là tội nghiệp cho chúng tôi quá!”
Lời kêu than của chúng thật là hữu lý. Sự thật là như thế. Có khi chờ thầy làm lễ xong, có con thì chết, có con thì què quặt bay đi không nổi... Như vậy, thì lại càng thêm tội chớ nào có phước đâu! Thử hỏi chúng ta làm lễ để ai chứng minh? Phật hay Bồ Tát? Hay chư Tôn Đức Tăng Ni? Chắc chắn Phật và Bồ Tát không thể chứng minh kéo dài sự đau khổ của chúng sanh như thế nầy rồi! Chư Tôn Đức Tăng Ni ư? Những vị nầy đầy lòng từ bi cũng không thể nào nhẫn tâm nhìn thấy cảnh tượng đau thương kêu la thảm thiết chúng bị nhốt lâu như thế!
Tóm lại, cũng một việc làm, mới nhìn thì thấy như là có phước lắm, nhưng nếu không khéo, thì trở thành mang tội. Thế thì phóng sanh như thế, chẳng những không đúng ý nghĩa của việc phóng sanh mà nó còn không được phước như ý mình muốn. Vì vậy, mong rằng người Phật tử khi có hảo tâm muốn mãi vật phóng sanh, thì nên lưu tâm hơn về việc làm nầy.
24. Sự khác biệt Tam Thừa?
Hỏi: Phật Pháp thì có một, nhưng tại sao lại có ra ba thừa?
Đáp: Lý do có ra ba thừa sai khác là y cứ vào trình độ hiểu biết rộng hẹp, sâu cạn, cao thấp bất đồng của mỗi chúng sanh. Từ đó, trong Phật Pháp mới có chia ra sự sai biệt nầy. Tất cả, cũng chỉ vì nhắm thẳng mục đích làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh mà thôi.
Trong Khế Kinh có nêu ra một thí dụ. Thí như có 3 con thú: thỏ, nai và voi đồng lội qua một con sông. Con thỏ nhỏ con lại có đôi chân ngắn, nên chỉ bơi lội 2 chân là đà trên mặt nước thôi. Con nai thì to con hơn và đôi chân lại dài hơn, nên 2 chân lội lưng chừng nước. Còn con voi thì thân thể to lớn vạm vỡ và có đôi chân bự lại dài hơn, nên đôi chân của nó lội đạp xuống tới đất.
Con thỏ là dụ cho hàng Thanh văn thừa. (Tiểu Thừa) Thanh Văn vì trí kém, tâm hẹp, nên dụ như con thỏ vừa nhỏ con lại vừa có đôi chân ngắn chỉ bơi lội là đà trên mặt nước. Con nai là dụ cho Duyên giác thừa. (Trung Thừa) Vì trí huệ của hàng Duyên Giác cao rộng hơn Thanh Văn, nên dụ như con nai, vì con nai lớn con và có đôi chân dài hơn con thỏ. Đến con voi là dụ cho Bồ tát thừa (Đại Thừa ). Vì trí huệ nhận thức ở nơi các pháp của hàng Bồ Tát hơn hẳn hàng Nhị Thừa (Thanh Văn và Duyên Giác) nên dụ như con voi, vì hình thể của con voi vừa to lớn mập mạp lại có thêm đôi chân bự và dài, nên lội sâu hơn 2 con kia.
Qua thí dụ nầy chúng ta thấy, con sông thì chỉ có một, tức Phật Pháp chỉ có một, mà thú thì có ba. Ba con thú là tiêu biểu, nói lên sự sai biệt của ba thừa. Chính vì sự sai khác đó, nên trong Phật Giáo mới tạm chia ra có ba thừa. Kỳ thật chỉ có một Thừa, tức Phật Thừa mà thôi, như trong Kinh Pháp Hoa đã nói rõ.
25. Niệm Phật cầu vãng sanh có ích kỷ hay không?
Hỏi: Có người nói, những người tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh về Cực lạc, thì những người đó thật là ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình được lợi lạc, mặc cho những người thân hay bạn bè nói rộng ra là tất cả mọi người ở cõi Ta bà nầy ai khổ mặc ai, miễn sao phần mình được sung sướng thì thôi. Xin hỏi: người nói như thế có hợp lý hay không?
Đáp: Nếu bảo rằng có hợp lý hay không, theo tôi, thì chỉ hợp lý ở một giai đoạn nào đó thôi, chớ không thể nói là hợp lý hoàn toàn. Nếu khẳng quyết cho rằng những người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc là hoàn toàn ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình. Lời trách nầy, e có hơi quá đáng! Vì sao? Bởi vì bản nguyện của người niệm Phật cầu sanh Tây phương, họ không phải nguyện về Cực lạc để rồi thọ hưởng những thú vui bên đó luôn, mà tâm nguyện của họ, chỉ về bên đó tiếp tục tu học một thời gian, cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ thành Phật, chừng đó, họ sẽ trở lại cõi Ta bà nầy để hóa độ chúng sanh.
Như vậy, rõ ràng họ không phải là những kẻ bạc tình bạc nghĩa. Chẳng qua cũng chỉ vì lòng thương mọi người, mà họ không muốn cùng nhau chết chìm, khi mình chưa biết lội, mà dám xông pha nhảy xuống nước cứu vớt người. Họ không muốn mạo hiểm phiêu lưu như thế.
Vì vậy, để được an toàn bảo đảm trong việc cứu vớt người, chính họ phải tìm cách bảo đảm cho mình có một nội lực thật vững chắc trước, rồi sau đó, họ sẽ trở lại cứu độ mọi loài. Như thế, quả họ là những người biết lo xa, và biết dự phòng vững chắc. Việc họ làm, không phải tùy hứng hay ngẫu nhiên, mà họ chỉ làm đúng theo những gì mà Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, giới thiệu.
Thế thì, trong thời gian họ vắng mặt ở cõi nầy, người ta coi họ như là người ích kỷ. Nhưng kỳ thật, không hẳn là như thế. Thí như những vị xuất gia, khi vào chùa, họ xa lìa cha mẹ, bà con họ hàng, những người thân thuộc, bạn bè thân thiết. Thời gian ở chùa, các ngài quyết chí tu học. Chả lẽ trong thời gian ở trong chùa tu học, thì những vị nầy lại là những kẻ ích kỷ, bạc tình bạc nghĩa hết hay sao? Mới nhìn qua như là có ích kỷ, nhưng xét sâu hơn, chưa hẳn là như thế. Vì sau khi ngộ đạo, các ngài vân du hóa đạo làm lợi ích cho chúng sanh.
Như vậy, khi các ngài không còn có mặt ở ngoài đời, giam mình tu học ở trong chùa, hay một nơi nào khác, thì người ta cho rằng các ngài là yểm thế hay ích kỷ? Nhưng đây lại là thời gian mà các ngài chuẩn bị hành trang tư lương cho mình khả dĩ thật chu đáo chín mùi, để sau nầy các ngài ra hoằng pháp lợi sanh. Thế thì, ta lại vội trách các ngài ích kỷ được sao? Nếu vội trách như thế, xét ra, thật hơi quá đáng! Nếu không muốn nói là quá hàm hồ nông cạn.
Lại thêm một thí dụ nữa. Thí như có một sinh viên ở nước Việt Nam ta, anh ta nghe sự giới thiệu của một giáo sư đại học rất tài giỏi, ông ấy nói rằng, ở bên Mỹ có một trường đại học chuyên đào tạo những người có khả năng chuyên ngành kỹ thuật điện tử, đây là ngành mà anh thấy rất thích hợp cho khả năng anh.
Sau khi nghe vị giáo sư đó giới thiệu, anh ta quyết tâm bằng mọi cách phải qua được bên Mỹ để học. Tâm nguyện của anh là sau khi anh học xong chương trình của trường đại học đó giảng dạy, bấy giờ anh sẽ trở về lại Việt Nam để dấn thân phục vụ làm việc, hầu giúp ích cho đồng bào anh.
Như vậy, việc anh sinh viên qua Mỹ du học, và cưu mang một tâm nguyện như thế, thử hỏi: anh sinh viên kia có ích kỷ hay không? Chả lẽ trong thời gian anh vắng mặt ở quê nhà để đi qua nước người du học, thì ta lại lên án kết tội anh sinh viên đó là người ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình được sao? Bạn sẽ nghĩ thế nào về người kết tội anh sinh viên đó như thế?
Cũng vậy, sở dĩ hôm nay, người ta biết được Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc là do từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu. Cũng như anh sinh viên kia, sở dĩ anh biết được trường đại học bên Mỹ, là nhờ sự giới thiệu của vị giáo sư đó. Và khi nghe xong, anh sinh viên kia không phải tự nhiên mà qua được bên Mỹ để học, tất phải hội đủ những điều kiện theo sự đòi hỏi của trường đại học ở Mỹ. Vì ở đây có rất nhiều thuận duyên tiện lợi cho sự trau dồi học hỏi của anh ta.
Cũng thế, người muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà cũng phải hội đủ 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh. Và đồng thời ở cõi đó có nhiều thắng duyên thuận lợi hơn.
Sau khi hội đủ điều kiện rồi, anh sinh viên kia, khi sang Mỹ du học, anh ta chỉ có một tâm nguyện duy nhất là sau khi tốt nghiệp mãn khóa, có mảnh bằng tiến sĩ trong tay, anh ta sẽ trở lại quê nhà để thi thố tài năng để làm lợi ích cho quê hương xứ sở của mình.
Cũng thế, người niệm Phật sau khi về Cực lạc có đủ mọi thắng duyên tu học, nỗ lực tu học cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ, bấy giờ họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa lợi sanh. Một tâm nguyện như thế, thì tại sao ta cho họ là ích kỷ?
Có người lại nói, họ chưa hề thấy ai từ cõi Cực lạc trở về? Đã là do nguyện lực độ sanh của Bồ tát, thì làm sao chúng ta biết rõ họ từ đâu đến. Và sách sử cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy, khi nào có ai phát hiện ra các Ngài là Bồ tát, thì các Ngài sẽ ẩn diệt ngay. Trường hợp như các Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc hay như Hòa Thượng Thiện Đạo, sử nói Ngài là hóa thân của đức Phật A Di Đà.
Tóm lại, theo tôi, thì những người niệm Phật phát nguyện vãng sanh về Cực lạc để tiếp tục tu hành (tất nhiên là có sự đảm bảo hơn cõi nầy về mọi mặt, theo như lời Phật Thích Ca giới thiệu) sau đó, họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa độ sanh đúng theo bản nguyện của họ. Như thế, xét bề ngoài thì dường như có ích kỷ, nhưng xét về bên trong, tức tâm nguyện, thì không có gì là ích kỷ cả.
Vì bản nguyện đó, cũng chỉ nhắm vào chúng sanh mà nguyện, tất nhiên là thuận theo bản hoài của chư Phật, trừ phi, những ai chỉ nguyện cho mình về Cực lạc không thôi mà không phát đại nguyện hoàn lai Ta bà để độ sanh, người như thế, thì đáng trách là quá ích kỷ chỉ nghĩ đến sự lợi lạc cho riêng mình, không đoái hoài thương cảm ai cả. Như thế, thì quả là trái với lòng từ bi Phật dạy. Người như thế, mới nên đáng trách. Ngược lại, thì ta không nên vội trách.
26. Ý nghĩa Vu Lan và Tự Tứ?
Hỏi:Ý nghĩa của Vu Lan Bồn là gì? Tại sao ngày rằm tháng 7 còn gọi là ngày lễ Tự Tứ? Vậy ý nghĩa của hai chữ Tự Tứ là gì?
Đáp: Vu Lan Bồn, phiên âm từ chữ Phạn là Uilambana (Hành sự). Còn gọi là Ô lam bà noa. Dịch là Đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Trong quyển Huyền Ứng Âm Nghĩa 13 có giải thích như sau: “Vu lan bồn, là nói sai. Nói đúng là Ô lam bà noa, dịch là Đảo huyền.
Theo phép nước Tây Trúc vào ngày Tự Tứ của chư tăng, người ta mua sắm thực phẩm, đặt cổ bàn linh đình, dâng cúng Phật Tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là một cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai”. Vu Lan Bồn Kinh Sớ Tông Mật nói: “Vu Lan là từ ngữ của Tây Vực, nghĩa là Đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là cứu đảo huyền bồn.”
Trong quyển Vu Lan Bồn Tâm Ký quyển thượng của Nguyên Chiếu bác lại: “Theo Ứng Pháp Sư Kinh Âm Nghĩa thì: Tiếng Phạm Ô lam bà noa dịch là đảo huyền, nay xét Ô Lan tức là Vu Lan, Bà noa là cái chậu. Thế là 3 chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm.” Đó là ý nghĩa của 3 chữ Vu lan bồn.
Còn Tự Tứ là gì ? Tự Tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý. Buổi lễ nầy được diễn ra vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng 7, hậu an cư là ngày 16 tháng 8, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự Tứ. Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447 )
Đó là chúng tôi trích dẫn nguyên văn trong quyển Từ Điển Phật Học Hán Việt để giải thích ý nghĩa của 2 chữ Tự Tứ. Ở đây, chúng tôi cũng xin được nói rõ thêm về ý nghĩa của buổi lễ quan trọng nầy. Đây là một buổi lễ mà chư Tăng Ni sau 3 tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì phải tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối.
Quả đây là một tinh thần tự giác cao độ của đạo Phật. Thông thường, ai cũng che đậy những lỗi lầm của mình, ít ai dám phơi bày cái lỗi lầm của mình cho người khác biết. Bởi thế có câu: “Xấu che, tốt khoe.”
Ngược lại, đằng nầy chư Tăng Ni không vì tự ái bản ngã cá nhân, mà tự thổ lộ những điều sái quấy của mình trước mặt mọi người. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày nầy còn gọi là ngày Phật hoan hỷ là như thế.
27. Chư tăng chú nguyện có siêu độ hay không?
Hỏi: Việc chư tăng chú nguyện cho bà Mục Liên Thanh Đề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Xin hỏi: Việc cầu nguyện đó ảnh hưởng thế nào đối với người có tội lỗi? Và việc làm nầy có rơi vào mê tín hay không?
Đáp: Qua câu hỏi trên, để tiện trả lời, chúng tôi xin được tách ra làm 2 câu hỏi :
1- Việc cầu nguyện đó ảnh hưởng thế nào đối với người có tội lỗi?Xin thưa: Rất có ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng đó, nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu những yếu tố tốt, thì ảnh hưởng kết quả tốt. Ngược lại, thì không như thế.
Những yếu tố tốt như thế nào? Như trường hợp bà Mục Liên Thanh Đề, sở dĩ bà được thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, là vì bà có nhiều yếu tố thắng duyên tốt .
Thứ nhứt, là ngài Mục Kiền Liên con của bà rất là chí hiếu. Ngài đã hết lòng tha thiết trong việc thiết lễ trai tăng cúng dường đúng theo lời Phật dạy.
Thứ hai, chư Tăng, những người chú nguyện cho bà đều là những vị tu hành thanh tịnh suốt thời gian 3 tháng an cư kiết hạ. Nhờ tâm các Ngài thanh tịnh, nên sức chú nguyện của các Ngài có một ảnh hưởng rất mạnh đến mục tiêu mà các Ngài nhắm tới. Mục tiêu đó là bà Mục Liên Thanh Đề.
Điều nầy, nếu nói theo triết học, thì gọi là: “Thần giao cách cảm”.Tuy vô hình, nhưng nó có một sức mạnh rất mãnh liệt. Người xưa nói: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai.” Nghĩa là: Sức thành khẩn tha thiết hướng đến đâu, có thể chẻ núi phá vàng đến đó. Xin nêu ra đây một câu chuyện để chứng minh:
Trong quyển Niệm Phật Thập Yếu trang 104, cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm có thuật câu chuyện như sau: “ Có một vị bên Pháp tuổi trẻ, góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải khuây. Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp, mới tỏ thật chuyện mình, xin cưới cô nầy làm vợ, và được chấp thuận.
Nhưng lúc chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô thị. Người thợ rèn thấy con gái mình bụng ngày một lớn, còn chàng sở khanh kia thì tuyệt tích như cánh chim hồng, nghĩ mình nhà nghèo thế yếu không thể kiện thưa, tức giận quá mỗi buổi chiều cầm búa đập vào tấm sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm phẩn hận. Nhưng ở đô thành cứ vào 5 giờ chiều, vị bác sĩ nọ bổng ôm đầu rên la, chữa trị đủ cách vẫn không khỏi.
Sau người bạn của bác sĩ trong lúc về thăm quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi tên bạn mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm ra biết nguyên nhân căn bệnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải đến xin lỗi và cưới cô gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bệnh vị bác sĩ mới khỏi.”
Qua đó, chúng ta thấy, tâm lực có một sức mạnh vô hình như thế.
Thứ ba, là bà Mục Liên Thanh Đề. Bà ta mới thực sự là yếu tố chính và quan trọng hơn hết. Sự gia trì của Phật cũng như sức chú nguyện của chư tăng, tất cả đều là những tác động trợ duyên tốt. Và nhờ sức trợ duyên mạnh mẽ đó, mà đánh động được tâm thức của bà ta. Bà ta đã ăn năn hối cải, và tha thiết sám hối. Nhờ sự thành tâm cải hối đó, mà bà được siêu thoát sanh lên cõi trời Thiên Hoa Quang.
Kinh nói: “Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám. Tâm nhược diệt thời, tội diệc vong. Tội vong, tâm diệt lưỡng câu không, thị tắc danh vi chơn sám hối”. Nghĩa là: Tội lỗi từ tâm (vọng) khởi, cũng từ tâm mà sám. Khi tâm lặng rồi, thì tội cũng tiêu. Tội tiêu, tâm lặng cả hai đều không còn nữa, đó mới thật là chơn thật sám hối.
2- Việc làm nầy có rơi vào mê tín không? Xin thưa: Việc làm nầy, chẳng những không phải là mê tín mà lại còn rất phù hợp với tinh thần giác ngộ của Đạo Phật. Tức là tinh thần tự giác. Lý do tại sao ? Trước hết, xin dẫn ra đây một vài mẩu chuyện ngắn, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ thuật kể trong quyển Bước Đầu Học Phật, để chứng minh.
Hòa Thượng nói: Mặc dù đây là những mẩu chuyện có tánh cách ngụ ngôn, nhưng để chúng ta thấy cái tinh thần tự giác của Đạo Phật. Đức Phật có kể lại tiền thân của Ngài: “Thuở nọ Ngài là đứa con bất hiếu. Khi Ngài chết rồi vào địa ngục. Ngay trong ngục tối, Ngài thấy ở đàng xa một đóm lửa sáng rực đi đến dần dần tới Ngài. Tới gần, Ngài nhìn rõ ra là người đang bị một vòng lửa cháy rực trên đầu. Người đó rên la thảm thiết. Khi tới gần, Ngài hỏi: Anh ơi, anh làm tội gì mà chịu khổ lắm vậy? Chàng đó nói: Không giấu gì ông, thuở xưa tôi ở nhân gian, vì bất hiếu với cha mẹ, nên giờ đây tôi mới khổ như thế nầy.
Ngài hỏi: tới bao giờ anh mới hết tội đó ?
Chàng kia đáp: Chừng nào ở nhân gian có người nào bất hiếu như tôi, đến thế cho tôi, thì tôi mới hết.
Vừa nói thì vòng lửa bên đầu anh kia chụp qua đầu của Ngài. Ngài bị đốt cháy đỏ rực, đau khổ quá Ngài rên la thảm thiết. Khi tỉnh lại Ngài hỏi: “ Đầu tôi bị vòng lửa đốt cháy như thế nầy, thưa anh chừng nào mới hết, mới khỏi cái khổ nầy? Anh kia nói: Chừng nào có người ở trên nhân gian bất hiếu như ông, xuống thế cho ông thì ông mới hết”.
Khi đó Ngài liền nhớ cái khổ bị đốt như thế nầy đau đớn vô ngần, nếu có người chịu khổ như mình thì tội nghiệp họ quá, chi bằng để một mình mình chịu khổ thôi. Cho nên lúc đó Ngài liền phát nguyện: “Nguyện tất cả người trên thế gian, từ đây về sau đừng có ai bất hiếu như tôi, để một mình tôi chịu cái khổ nầy suốt đời suốt kiếp”. Ngài vừa nguyện xong, bất thần vòng lửa bay đâu mất. Ngài thấy Ngài sanh lại ở chỗ khác tốt đẹp, không còn vòng lửa nữa.
Qua câu chuyện đó tuy có tánh cách ngụ ngôn, nhưng cho chúng ta thấy rõ một khi phát tâm từ bi rộng lớn, phát tâm đạo đức, thì bao nhiêu cái khổ cái xấu tan đi.
Thêm một câu chuyện nữa. Phật kể lại: “Một thuở nọ Ngài là một thợ săn hung ác tàn bạo. Sau khi chết đọa vào địa ngục. Khi đó quỷ sứ bắt Ngài kéo một chiếc xe cồng kềnh, phía sau có người cầm roi đánh. Ngài kéo nặng nề quá. Kéo qua chỗ tra tấn người Ngài thấy những người khác bị đánh đập hành hạ đau khổ rên siết quá đổi. Ngài động lòng thương nguyện rằng: “Tôi xin thế tất cả cái đau khổ của những người ở trong đây! Tất cả cái khổ của những người đang chịu, xin để cho mình tôi chịu”. Ngài vừa phát nguyện như vậy thì tự thấy Ngài không còn ở địa ngục nữa.
Thuật qua 2 câu chuyện trên, Hòa Thượng kết luận: “Qua 2 câu chuyện trên đó, chúng ta thấy bà Thanh Đề, sở dĩ ra khỏi vòng ngạ quỷ không phải chư Tăng có tài xuống đó dẫn bà lên. Không phải có một ông Diêm Vương hay ông chúa ngục nào mở thả bà, ân xá cho bà. Cũng không phải ông Phật trên đài sen xuống cứu bà, mà chính vì tinh thần sáng suốt và ý chí mạnh mẽ cầu tiến của chư Tăng đồng chung một tâm niệm hướng về bà, mong bà cải đổi tâm niệm xấu xa.
Do sự giao cảm đó mà bà tỉnh giác, chính bà tỉnh giác biết được tội lỗi của bà, nên bà hối hận chừa bỏ. Do đó, bà thoát khỏi cái khổ ngạ quỷ. Thoát khỏi là do tâm hối cải tỉnh giác chứ không phải do sức bên ngoài bắt mình hay thả mình. Đó là sự thật do tinh thần tỉnh giác của con người mà ra. Chỗ đó đối với quý vị hơi lạ, nhưng sự thật là thế”.
Cũng theo tinh thần tự giác đó, chúng tôi xin được nêu ra một thí dụ cụ thể và thực tế hơn. Thí dụ: Ông A bị ghiền á phiện rất nặng, (dụ như bà Thanh Đề vì tạo nghiệp ác phải đọa vào ngạ quỷ) con ông là anh B rất hiền từ chí hiếu và kính trọng thương ông (dụ như Ngài Mục Kiền Liên).
Vì quá thương xót tình cảnh nghiện ngập của người cha, nên anh A tìm đủ mọi phương cách để khuyên cha. Một hôm, anh ta trông thấy người cha lên cơn ghiền dữ dội, tứ chi rả rời, thân thể gần như hết cựa quậy, trong khi đó, thuốc lại không có, anh ta chạy tìm được chút ít đem về cho cha. Người cha hút vào, sau đó tỉnh lại. Chứng kiến cảnh đau thương đó (dụ như Ngài Mục Kiền Liên dùng tuệ nhãn xem thấy người mẹ đang bị cơn đói khát hoành hành đau khổ ngút ngàn) anh ta quyết định tìm cách cứu cha thoát khỏi bệnh ghiền.
Bấy giờ, anh ta nghĩ đến vị Thầy của anh ta, là một bậc tu hành giới luật nghiêm minh, đạo cao đức trọng (dụ như Đức Phật). Anh ta đến quỳ bạch xin thầy chỉ dạy cách nào để cứu thoát người cha ra khỏi bệnh ghiền. (dụ như Ngài Mục Liên bạch Phật để Phật chỉ dạy cách cứu mẹ Ngài). Vị thầy đó bảo anh ta, nếu con muốn cứu thoát cha con bỏ hút á phiện, thì con nên vì cha mà hết lòng mua sắm những thứ mà cha con thường ưa thích nhất, đồng thời con nên cung thỉnh quý thầy khác mà hằng ngày cha con kính trọng, cũng như một số bạn bè thân thuộc nhứt của cha con, rồi chọn ngày mời mọi người đồng đến hiệp lực cùng con để cùng nhau khuyên cha con cai nghiện. (dụ như Ngài Mục Liên sắm sanh lễ vật và cung thỉnh chư tăng chú nguyện).
Anh A thực hiện đúng theo những gì thầy dạy. Hôm đó là một ngày rất đẹp, khí trời ấm áp (dụ như ngày rằm tháng 7) anh A trịnh trọng mời cha đến ngồi vào bàn ghế sang trọng và trước những vật dụng quý giá mà người cha thường mong ước. Sau khi người cha ngồi vào ghế, bấy giờ , anh A và những người thân thuộc trong gia đình đến quỳ trước mặt người cha, đồng khẩn khoản tha thiết lên tiếng khuyên cha nên vì bản thân, vì con cái và vì bạn bè thân thuộc mà nên cương quyết cai nghiện ma túy cho bằng được. Thêm vào đó, quý thầy có mặt cũng như toàn thể bạn bè cũng đồng lòng hết lời chí thiết khuyên bảo.
Trước tình cảnh đó, người cha quá xúc động đến rơi lệ, nghẹn ngào và rồi ông ta dõng dạt tuyên bố trước mặt mọi người rằng: “Kể từ ngày hôm nay, tôi cương quyết sẽ cai nghiện. Không phải nói suông bằng lời cho mọi người vui, mà tôi nhứt quyết thực hiện bỏ hút cho bằng được. Vì tôi đã sáng mắt nhận ra sự tai hại khốc liệt của thứ ma túy nầy rồi”! Nói xong, mọi người đều vui lên như ngày mở hội. Nhứt là người con trai chí hiếu của ông vui mừng không kể xiết. Và từ đó trở đi, người ta thấy ông ta đã bỏ hẳn và thân thể của ông được mạnh khỏe trở lại như xưa. Thế là ông đã tự cởi trói được cái khổ mà từ lâu nay nghiệp ghiền ma túy nó đã treo ngược xiết cổ ông.
Qua thí dụ đó cho chúng ta thấy rằng, sở dĩ người cha bỏ được á phiện, là chính do ông ta cương quyết cải hối chừa bỏ, còn mọi người chỉ là trợ duyên tốt giúp cho ông ta tăng thêm phần ý chí nghị lực mà thôi. Còn chánh nhân chính là ông ta. Chính nhờ lòng chí thành tha thiết thương cha của anh A, tức con trai của ông, là trợ lực chính giúp cho ông ta từ bỏ được. Lời khuyên của mọi người (Dụ như sự chú nguyện của chư tăng) đã đánh động được sự tỉnh giác của ông. Như thế, sự cai nghiện của ông có kết quả tốt là do ông tự ý thức và tự tỉnh giác lấy. (Dụ như bà Thanh Đề được thoát hóa là do chính bà tự cải hối ăn năn tâm địa độc ác của bà). Điều nầy, tuyệt nhiên không do ai cầu nguyện mà được cả. Như vậy, rõ ràng nào có phải là mê tín đâu !
28. Danh Xưng Quán Thế Âm Và Quán Tự Tại?
Hỏi: Danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát và Quán Tự Tại Bồ Tát là một vị Bồ Tát hay hai vị Bồ Tát khác nhau?
Đáp: Chỉ là một vị Bồ Tát Quán Thế Âm chớ không phải hai. Sở dĩ có tên gọi khác nhau như thế, là vì đứng trên hai phương diện mà nói. Gọi Quán Thế Âm là đứng về mặt tu nhân. Vì Bồ Tát Quán Thế Âm khi còn ở địa vị tu nhân, thì Ngài dùng nhĩ căn để tu, gọi là :“Phản văn văn tự tánh”, có nghĩa là Ngài nghe lại tánh nghe của chính mình.
Thông thường, chúng ta khi nghe tiếng là chạy theo tiếng, phân biệt tiếng hay tiếng dở v.v…Ít có ai nghe lại tánh nghe của mình. Tiếng thì lúc có lúc không, còn tánh nghe thì thường hằng không bao giờ vắng mặt với mình. Nhưng khổ nổi là tất cả chúng ta đều nhận ở nơi tiếng mà quên mất tánh nghe thường hằng. Do đó, trong Kinh Lăng Nghiêm Phật quở là: “Quên mình theo vật.”
Ngược lại, Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ ứng dụng tu đúng phương pháp Phật dạy: « Phản văn văn tự tánh » mà Ngài chứng được Nhĩ căn viên thông, hoàn toàn làm chủ chính mình không còn lệ thuộc ở nơi thinh trần... tới lui tự tại vô ngại, bấy giờ gọi Ngài là Quán Tự Tại. Như vậy, danh xưng Quán Tự Tại là đứng về phương diện quả vị mà nói.
29. Tịnh Độ tông có truyền thừa Tổ vị không?
Hỏi: Về sự truyền thừa Tổ vị, bên Thiền tông thì ai cũng biết, nghĩa là có sự truyền thừa hẳn hoi. Ngược lại, bên Tịnh Độ tông, thì đâu có sự truyền thừa như thế. Thế thì tại sao gọi các Ngài là Tổ?
Đáp: Đúng vậy. Bên Tịnh độ không có sự Tổ Tổ tương truyền như bên Thiền tông, nhưng các Ngài sở dĩ được tôn xưng là Tổ, bởi có nhiều lý do. Tiêu biểu như bốn lý do sau đây mà chúng tôi thấy trong phần Dẫn Nhập nói về Liên Tông Thập Tam Tổ của cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm có nêu ra như sau: “ Sở dĩ chư Tổ Liên Tông được tôn xưng các Ngài là Tổ, bởi do các vị Tăng Tục tu môn niệm Phật đời sau họp lại chọn lựa ra những vị siêu xuất mà suy tôn lên.
Sự siêu xuất đó được biểu lộ qua bốn quan điểm chính yếu sau đây :
1- Về phần kiến thức :
- Phải là các bậc thông hiểu thâm sâu cả Tông lẫn Giáo.
- Giải ngộ Phật Pháp đến mức Thượng Thừa.
2- Về Phần Đạo Hạnh :
- Phải giữ giới phẩm tinh nghiêm, hoàn toàn thanh tịnh.
- Tu hành tinh tấn.
- Lâm chung hiện rõ thoại tướng vãng sanh.
3- Về Phần Hoằng Hóa :
- Phải có công lao lớn trong việc tuyên dương pháp môn Tịnh độ.
- Hộ trì chánh pháp không tiếc thân mạng.
- Khuyến dắt, dẫn đạo đến ngàn muôn người niệm Phật.
4- Về Phần Trước Tác Phiên Dịch :
- Phải có trước tác (biên soạn) tối thiểu từ ba bộ sách khuyến dạy hoặc hoằng tuyên Tịnh độ trở lên.
- Phải có khả năng phiên dịch và chú sớ Kinh điển đến mức Thượng Thừa.
Bốn điều kiện nầy phải hoàn toàn đầy đủ hết mới được suy tôn lên hàng Tổ sư Tịnh độ.
30. Sự khác biệt giữa chánh niệm và vô tâm?
Hỏi: Giữa Chánh niệm và Vô tâm khác nhau như thế nào?
Đáp: Giữa Chánh niệm và Vô tâm khác nhau ở điểm căn bản là: Chánh niệm là một trong Bát chánh đạo, nó thuộc về hệ giáo lý Phật Giáo Nguyên thủy. Chánh niệm có nghĩa là ghi nhớ những điều hay, lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình cho người, những đạo lý chân chính quý trọng cao siêu. Nói rõ ra chữ chánh niệm nầy ta có thể hiểu là làm việc gì ta nhớ đến việc đó. Tất nhiên, là ta phải chăm chú vào việc ta làm, không để tâm nhớ nghĩ đến chuyện khác.
Còn Vô tâm là thuộc về Thiền tông. Thiền tông nói Vô tâm, không có nghĩa là không có tâm gì cả, như cây đá, mà Vô tâm ở đây có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật. Nói cách khác là không dấy khởi vọng niệm phân biệt ở nơi tiền trần. Tâm thể phải luôn luôn vắng lặng.
Ngược lại, chánh niệm còn có dấy tâm khởi nghĩ vào những động tác hay việc làm. Vì thế, Chánh niệm và Vô tâm không thể giống nhau. Vô tâm chỉ tương đồng với Chánh định. Vì Chánh niệm chưa phải là chặng cuối cùng, mà Chánh định mới là chặng cuối cùng của Bát chánh đạo.
31. Ý nghĩa chữ vạn?
Hỏi:Tại sao trước ngực của tượng Phật Thích Ca có hình chữ Vạn? và ý nghĩa của chữ vạn như thế nào? Và không hiểu lý do tại sao hình chữ Vạn có khi có chiều xoay bên phải, có khi có chiều xoay bên trái?
Đáp: Chữ vạn là một trong 32 tướng tốt của Đức Phật. Đây là biểu thị cái công đức của Phật. Sở dĩ nó ứng hiện ở nơi ngực của Phật là để nói lên cái ý nghĩa giác ngộ vẹn toàn của Phật. Ở chính giữa ngực là tượng trưng cho lý Trung Đạo, không kẹt hai bên, vượt ngoài đối đãi.
Về ý nghĩa của nó, theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang giải thích, thì nó có nghĩa là cát tường hải vân hay cát tường hỷ toàn. Còn về chiều xoay bên phải, bên trái không đồng nhứt, thì cũng theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang giải thích như sau:
“Hình chữ Vạn,(xin vẽ chữ vạn có chiều trên xoay về bên trái vào đây) vốn là dấu hiệu biểu thị sự tốt lành ở Ấn Độ thời xưa. Ngoài Ấn Độ thì Ba Tư, Hy Lạp đều có phù hiệu nầy, thông thường được xem là tượng trưng cho mặt trời, ánh chớp, lửa, nước chảy.
Ở Ấn Độ thời xưa, Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ na giáo, đều sử dụng chữ nầy. Đầu tiên, người Ấn Độ cho rằng phù hiệu nầy là sợi lông xoắn ở ngực của Phạm thiên, Tỳ thấp nô (Phạn: Visnu), cát lật sắt noa (Phạn: Krsna) và thông thường coi đây là dấu hiệu của sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy. Trong Phật giáo, chữ Vạn (chiều trên xoay về bên trái ) là tướng tốt lành ở trước ngực của Phật và hàng Bồ tát Thập Địa, về sau dần dần trở thành dấu hiệu đại biểu cho Phật giáo.”
Xưa nay có nhiều thuyết nói về chữ vạn. Về Hán dịch chữ vạn, Cưu ma la thập và Huyền Trang dịch là chữ « Đức », Ngài Bồ đề lưu chi thì dịch là chữ Vạn, biểu thị ý nghĩa công đức tràn đầy. Còn trong Tống Cao Tăng Truyện 3 thì cho rằng nếu chữ Vạn (chiều trên xoay về bên trái) mà dịch là vạn thì chẳng phải dịch ý mà là dịch âm. Nhưng âm của chữ Srivatsalaksana ban đầu không được đưa vào Kinh truyện, đến năm 639 thời Võ Tắc Thiên mới đặt ra chữ nầy, đọc là vạn và cho rằng chữ nầy có ý nghĩa là nơi nhóm hợp của muôn điều tốt lành. Nhưng chữ Vạn (chiều trên bên trái) vốn là một ký hiệu chứ chẳng phải là một chữ. Sở dĩ xưa nay đọc liền là vạn tự một mặt là do tập quán, chủ yếu nhất là do lầm lẫn khi dịch từ tiếng Phạn sang Hán. Vì chữ Phạn Laksana, dịch âm là Lạc sát nẳng, nghĩa là tướng; mặt khác chữ Phạn aksara dịch âm là Ác sát la, nghĩa là Tự. Có lẽ 2 âm Laksana và aksara gần giống nhau cho nên ý nghĩa của chúng bị lẫn lộn. Nói theo đây thì chữ Vạn (chiều trên bên trái) tự nên đọc là tướng, (vạn tướng) mới phù hợp với nghĩa gốc của chữ Phạn.
32. Mười hai loại cô hồn?
Hỏi:Xin cho biết 12 loại chúng sinh hay cô hồn gồm có những loại nào?
Đáp: Mười hai loại cô hồn gồm có :
1. Lụy triều đế chúa (các vua chết vì phản loạn, tai nạn đổi đời)
2. Quan tướng vương triều và Oai tướng phản thần.
3. Bá quận danh thần.
4. Bạch ốc thư sinh.
5. Xuất trần thượng sĩ (tức là hàng tu sĩ chỉ nói suông lời Phật dạy, không thực hành pháp và còn bị vướng mắc một cái gì đó).
6. Huyền môn đạo sĩ.
7. Thương gia lữ khách và kẻ buôn tảo bán tần.
8. Chiến sĩ trận vong.
9. Sản phụ bất hạnh (lúc thai sản mất cả mẹ lẫn con).
10. Khuyết tật thiếu tu.
11. Cung phi mỹ nữ và hạng buôn hương bán phấn.
12. Tù nhân tử tội.
Ngoài ra, còn phải kể đến kẻ chìm sông lạc suối, kẻ nằm cầu gối đất, kẻ cơ bần khất cái và kẻ gieo giếng thắt dây... (Theo quyển sách Cốt tủy Giáo lý Phật, Bốn tiến trình đi tới Hạ Thủ Công Phu của tác giả Tâm Tịnh, trong phần Thay lời tựa Viết cho một người khách đường xa)
33. Tụng Kinh ở nhà có cần đánh chuông mõ không?
Hỏi: Ở nhà, chúng con thường tụng kinh vào những buổi tối, nhưng con không biết đánh chuông mõ, vậy chúng con chỉ tụng niệm không cần đến chuông mõ có được không? Và tụng như thế nào mới được lợi ích?
Đáp: Việc tụng niệm, mục đích là để hiểu nghĩa lý trong kinh, xem Phật dạy những gì, rồi từ đó chúng ta áp dụng vào đời sống hằng ngày. Như thế mới có lợi ích. Vì vậy, khi tụng đọc, chúng ta nên tụng đọc chậm rãi, không nhứt thiết là phải có chuông mõ. Sở dĩ có chuông mõ là vì có nhiều người tụng đọc. Công dụng của mõ là để giữ trường canh để mọi người tụng đọc, cho nó có nhịp nhàng hòa âm với nhau, không có kẻ tụng trước, người tụng sau. Nên việc đánh mõ cũng khá quan trọng.
Người đánh mõ cần phải học cách đánh sao cho nó giữ trường canh đều đặn. Bởi thế, trong Thiền môn gọi người đánh mõ là Duyệt chúng. Duyệt là vui vẻ, chúng là nhiều người, nghĩa là làm cho mọi người trong thời khóa lễ tụng niệm, tất cả đều được an vui. Như thế, thì người đánh mõ mới có phước. Bằng ngược lại, không biết cách đánh, trường canh nhịp điệu không đều, khi thì nhanh quá, lúc lại chậm quá, làm cho mọi người tụng đọc không hài lòng, nổi phiền muộn. Như thế, thì người đánh mõ càng thêm mang tội.
Còn người giữ bên chuông để thỉnh chuông, gọi là Duy Na. Duy na có nghĩa là người điều khiển buổi lễ. Thường ở chùa, vì có nhiều người tụng niệm, nên cần phải có chuông mõ.
Ngược lại, ở nhà, nếu Phật tử chỉ tụng niệm một mình, thì không cần phải đánh mõ chuông. Nếu như trong nhà đã có mõ chuông, thì khi tụng niệm muốn đánh cũng được không có sao. Tuy nhiên, tốt hơn là không cần sử dụng đến những khí cụ nầy. Trường hợp không có thì thôi. Khi tụng niệm, tùy theo sức khỏe và thói quen, tụng lớn tiếng hay nhỏ tiếng hoặc tụng niệm thầm đều được cả.
Xin nhắc lại, mục đích của sự tụng niệm cốt để hiểu rõ nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật dạy, để từ đó, chúng ta đem ra ứng dụng vào đời sống, như vậy mới có lợi ích thiết thực. Nếu như, khi tụng mà không hiểu rõ nghĩa lý Phật dạy, thì Phật tử nên đến chùa cầu chư Tăng, Ni chỉ dạy cho.
34. Nêm nếm đồ mặn vào những ngày ăn chay?
Hỏi: Con ăn chay một năm 4 tháng, một tháng con ăn 10 ngày, nhưng những ngày ăn chay, con phải nấu cơm cho gia đình ăn. Cho nên khi nấu ăn, con vẫn nêm nếm bình thường, vì sợ gia đình ăn không ngon, rồi dư thức ăn bỏ thì tội, nên con làm như vậy có được hay không?
Đáp: Người Phật tử phát nguyện ăn chay là một điều tốt. Vì ăn chay, mục đích là để nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh bớt việc giết hại sinh vật. Tuy nhiên, vì còn sống chung trong gia đình, lại là người nội trợ lo việc nấu nướng cho gia đình, nên khi nấu cần phải nêm nếm thức ăn. Thật ra, việc nêm nếm không có gì là tội lỗi cả. Vì xưa kia, Đức Lục Tổ Huệ Năng khi còn trong thời gian lánh nạn, sống chung với những người thợ săn, nên mỗi bữa ăn, Ngài hái rau bỏ luộc chung trong nồi thịt của họ, rồi Ngài vớt lấy rau mà ăn. Ngài ở ngôi vị Tổ, vì hoàn cảnh bắt buộc phải ăn như thế.
Nay Phật tử cũng vì hoàn cảnh gia đình, nên không thể vì mình mà để những người thân: chồng con trong gia đình phải mất vui. Theo chúng tôi, thì việc nêm nếm đó không có gì tội lỗi cả. Điều quan trọng là ở nơi tâm ý của mình. Nếu trong khi nếm thử như thế, mà mình khởi tâm tham muốn thèm thuồng, thì điều đó là có lỗi. Có lỗi là tự mình dối với lòng mình, chớ không có lỗi với ai. Còn nếu, trong khi nêm nếm mà không có tác ý thèm muốn, thì không sao. Vậy, Phật tử nên tự hỏi lại lòng mình có như thế không? Nếu có, thì tốt hơn hết là hãy để cho những người ăn mặn chính họ tự nêm nếm lấy.
35. Ý nghĩa kiết thất và đả thất?
Hỏi: Kiết thất, đả thất và kết kỳ niệm Phật ý nghĩa của chúng giống nhau hay khác nhau?
Đáp: Kiết thất, đả thất và kết kỳ niệm Phật ý nghĩa không khác nhau. Cả ba danh từ nầy, đều có một ý nghĩa chung là hành giả tránh bớt duyên trần để yên tu. Kiết thất là ở trong ngôi nhà nhỏ hay một gian phòng, dứt hết duyên ngoài, chỉ chuyên tu (tùy theo pháp môn mà hành giả đã chọn) như niệm Phật trong khoảng bảy ngày. Nhưng tại sao phải bảy ngày, không sáu ngày hoặc tám ngày? Kinh dạy: “Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn nào, nghe nói đến Phật A Di Đà, giữ niệm danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày một lòng không loạn”. Trong Kinh không nói chỉ sáu ngày, hay quá đến tám ngày, cho nên người tu Tịnh độ xưa nay căn cứ theo kinh quy định thời gian để kết kỳ niệm Phật trong bảy ngày. Từ đó, hành giả có thể tùy ý tăng thời gian thêm hoặc 21 ngày hay 49 ngày v.v… Mục đích là để hành giả đạt được Chánh định hay Nhứt tâm bất loạn mà thôi.
Còn nói Đả thất, chữ đả có nghĩa là đánh. Nói đủ là “đả thành nhứt phiến”, nghĩa là đánh cho thành một khối tịnh niệm. Đả thất niệm Phật có khi nhiều người đồng tu, hoặc chỉ một người cho dễ được thanh tịnh. Như vậy, ba danh từ tuy có khác, nhưng, tựu trung ý nghĩa cũng giống nhau.
36. Ý nghĩa tướng lưỡi rộng dài?
Hỏi: Trong Kinh Di Đà có nói tướng lưỡi của Phật rộng dài che khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Xin hỏi: Hiện tượng nầy như thế nào? Có đúng như vậy không?
Đáp: Hiện tượng đó, chỉ là ý nghĩa tiêu biểu tượng trưng thôi. Chớ không phải là có thật như vậy. Ý nói: Sở dĩ Phật được tướng lưỡi rộng dài như thế, do vì trải qua vô số kiếp, Phật chưa từng nói dối, nên mới được như vậy. Ngược lại, phàm phu chúng ta vì trải qua nhiều đời nói dối, nói thêu dệt, nói lời trau chuốt để gạt gẫm thiên hạ, mưu đồ trục lợi cho mình, nên kết quả, tướng lưỡi của chúng ta hiện nay dài không quá 3 tấc.
Trong Kinh nói: người nào ba đời không nói dối, thì lưỡi le ra đụng tới chót mũi. Kinh diễn tả nêu ra như thế, nhằm mục đích khuyên chúng ta không nên nói dối, mà phải nói lời chân thật. Lời nói chân thật, kết quả nói ra ai cũng tin và nghe theo. Nếu như, chúng ta y theo kinh mà giải nghĩa, tướng lưỡi của Phật trùm khắp như vậy, thì làm sao Phật nói chuyện thuyết giảng. Cho nên nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự, tức đồng ma thuyết”. Qua lời nói nầy, chúng ta cần phải cẩn trọng trong khi giảng giải kinh điển Phật giáo.
37. Chư Thiên dâng hoa cúng dường?
Hỏi: Trong kinh diễn tả, khi Đức Phật thuyết pháp có các chư Thiên đến tung hoa cúng dường. Xin hỏi: Chư Thiên từ cõi nào đến? Và hoa từ đâu mà có?
Đáp: Nếu bảo chư Thiên từ cõi nào đến, thật sự chúng tôi không biết. Chỉ thấy trong kinh nói là chư Thiên ở các cõi Trời, như cõi Dục gồm có 6 cõi Trời: Tứ thiên vương thiên, Đao lợi thiên, Dạ ma thiên, Đâu suất thiên, Hóa lạc thiên và Tha hóa tự tại thiên. Nhưng thực tế, thì chúng ta không thấy. Mà không thấy, thì làm sao nói được.
Tuy nhiên, theo chỗ chúng tôi hiểu, thì chư Thiên cũng từ nơi con người mà ra, chớ không có ở đâu xa. Tại sao chúng tôi dám nói như thế? Bởi vì, chúng ta thử nghiệm xét kỹ lại coi: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác… những vị nầy từ đâu mà có? Có phải các ngài từ cõi nào xa xôi đến đây không? Hay tất cả cũng chỉ là con người? Đã là con người, thì các ngài cũng có một đời sống: ăn, mặc, ở bình thường như chúng ta. Chẳng qua các Ngài khác hơn chúng ta là ở chỗ trình độ giác ngộ của các Ngài hơn chúng ta mà thôi. Xét nhân địa tu hành và quả vị đạt được của những vị nầy mỗi mỗi đều có sai khác. Căn cứ trên nhân và quả mà các Ngài có những tên gọi khác nhau. Nhưng tựu trung cũng là con người và sống ở cõi nầy.
Chư Thiên cũng thế. Những vị nầy cũng là con người, nhưng khác hơn con người thường là ở chỗ, những vị nầy do thực hành Thập Thiện mà kết quả được thụ hưởng phước báo an vui hơn những người giữ 5 giới và những người không biết tu hành giữ giới. Nên gọi những vị nầy là Trời. Như vậy, thì chúng ta thấy nó rất thực tế trong sự tu hành. Tất cả đều căn cứ trên quả vị đạt được mà có những tên gọi khác nhau đó thôi. Đây là theo chỗ nghiên cứu hiểu biết của chúng tôi. Dĩ nhiên, mỗi người có những lý giải và nhận xét hiểu biết khác nhau.
Nhưng theo tôi, lý giải nào cũng phải phù hợp và phải dựa trên thực tế. Vì đạo Phật là đạo thực tế, không viễn vông mơ hồ, huyền hoặc. Nếu bảo rằng, chư Thiên ở các cõi khác đến, cõi đó ở đâu? Và hình thù của họ ra sao? Nhân địa tu hành của họ, chỉ là tu mười điều lành thôi. Nếu họ từ các cõi khác đến, tất nhiên họ phải có thần thông. Thần thông của họ phải nhanh hơn gấp mấy ngàn lần phi thuyền hiện nay.
Các khoa học gia dùng phi thuyền khám phá các hành tinh khác, bay lượn khắp trong không gian, cho đến nay cũng chưa tìm thấy một vị Trời nào cả. Như vậy, hiện tại có người, họ cố gắng giữ đúng mười điều lành, nhưng họ nào có thần thông đâu. Những vị xuất gia tu hành hiện nay, dĩ nhiên các ngài nầy tu hành phải vượt hơn mười điều lành, nhưng thực tế, ta chưa từng thấy vị nào có thần thông biết bay từ nơi nầy đến nơi kia. Thần thông của những vị nầy là máy bay, thì có. Chư Thiên không phải từ cõi khác đến, thì làm gì có hoa từ cõi khác.
Tóm lại, qua những luận cứ trên, theo tôi quả quyết, trong kinh nói chư Thiên cũng chính là con người mà thôi. Nhưng con người giữ tròn Thập Thiện, nên được phước báo an vui hơn những người thường khác. Và hoa họ dùng để cúng dường Phật, cũng chính là những đóa hoa ở trên mặt đất nầy. Chỉ có thế thôi.
38. Ý nghĩa danh hiệu Đại Thế Chí và sự động đất?
Hỏi: Danh hiệu Đại Thế Chí có ý nghĩa gì? Và trong kinh có nói: Khi Phật ra đời đại địa rúng động. Vậy xin hỏi: Hiện tượng quả đất rúng động nầy có giống với hiện tượng động đất hiện nay không?
Đáp: Danh hiệu Đại Thế Chí là tiêu biểu cho người có một trí huệ siêu việt và một ý chí, nghị lực phi thường. Ngài là một vị Bồ tát hầu cận bên đức Phật Di Đà. Căn cứ theo tượng Tam Thánh (Di Đà, Quán Âm, Thế Chí) thì Ngài đứng bên hữu và Bồ tát Quán Âm đứng bên tả. Ngài tiêu biểu cho đại trí huệ. Bồ tát Quán Âm tiêu biểu đại từ bi. Bi và trí phải song vận. Cả hai không thể thiếu một trong sự tu hành, cũng như khi ra giáo hóa. Thế nên Bồ tát Đại Thế Chí và Bồ tát Quán Âm không tách rời nhau.
Ngài luôn dùng trí huệ soi sáng để hóa độ chúng sanh ở cõi đời uế trược nầy.Vì trí huệ có công năng phá tan mọi si mê. Hình ảnh của Ngài nói lên một sức mạnh trí huệ phi thường mà người tu hành cần phải có. Nhờ có trí huệ chỉ đạo nên mới dẹp trừ hết vô minh phiền não.
Có như thế, thì hành giả tu hành mới mau được giải thoát. Nên mỗi khi niệm đến danh hiệu Ngài, chúng ta nhớ đến trí huệ sáng ngời và ý chí kiên cường dũng mãnh của Ngài. chúng ta quyết noi gương Ngài và kiên quyết vượt thắng mọi chướng duyên thử thách trên bước đường tu học. Có thế, thì mới xứng đáng niệm danh hiệu Ngài. Và chúng ta mới có được lợi ích.
Còn nói Phật ra đời, cả đại địa đều chấn động, đây cũng là một sự tiêu biểu mà thôi. Thường khi có một vị Thánh nhơn ra đời, thì có những hiện tượng khác thường. Điều nầy nói lên một sự kỳ đặc mà người thường không bao giờ có. Sự chấn động đó không phải là như động đất hiện nay. Nếu cả đại địa đều động đất như hiện nay, thì cả nhơn loại làm sao sống sót. Như vậy, Phật ra đời có ích lợi gì cho nhơn loại đâu? Chẳng những không đem đến sự lợi ích cho nhơn loại, mà còn hủy diệt nhơn loại nữa. Như thế, sao gọi là Phật được?
Hiện tượng động đất hiện nay là một hiện tượng tự nhiên của thiên nhiên. Đó là dấu hiệu cho chúng ta biết quả địa cầu đã đến hồi nứt rạn và đi lần đến tan hoại.
39. Thờ Phật Thích Ca mà chào nhau A Di Đà?
Hỏi: Tại sao ở cõi nầy, đại đa số đều thờ Phật Thích Ca, mà Phật tử gặp nhau, thì lại chào nhau bằng câu Phật hiệu A Di Đà Phật mà không niệm Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật?
Đáp: Vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ ở cõi Ta Bà nầy, nên người ta tôn thờ Ngài là để nhớ đến công ơn giáo hóa lớn lao của Ngài. Nhờ sự chỉ giáo của Ngài mà người ta noi theo tu hành nên được giải thoát. Do đó, hầu hết các chùa Phật giáo Bắc Tông cũng như Nam Tông đều kính trọng tôn thờ Ngài. Còn về danh hiệu của Ngài, người ta chỉ niệm vào những dịp lễ lộc hoặc vào những thời khóa lễ tụng niệm. Chớ người ta không niệm danh hiệu Ngài khi gặp và chào nhau. Bởi lẽ, phật giáo có nhiều Tông phái, nhưng chỉ có những người tu theo Tịnh độ tông mới chào nhau bằng câu Phật hiệu A Di Đà mà thôi. Còn các Tông phái khác, thì không có.
Sở dĩ những liên hữu phật tử khi gặp và chào nhau như thế, mục đích là để họ thức nhắc cho nhau về một vị Giáo Chủ mà họ đang hướng lòng về mong mỏi gặp Ngài. Đây là một cách chào nhau vừa lịch sự trang trọng mà cũng vừa thức nhắc cho nhau đừng quên câu hiệu Phật. Vì người tu Tịnh Độ, lấy câu trì danh Phật hiệu: “Nam Mô A Di Đà Phật” làm phương châm hành trì. Bất luận thời gian và nơi chốn nào, hành giả cũng phải lưu tâm nhớ niệm. Có thế, thì mới mong đạt thành ý nguyện vãng sanh về Cực lạc. Do đó, nên việc thức nhắc cho nhau bằng cách chắp tay xá chào và cả hai đồng niệm câu A Di Đà Phật, thật là hợp lý và hữu ích.
40. Làm sao cho mẹ con khỏi tội?
Hỏi: Vào những ngày thọ Bát, con nhờ con của con chở giùm, thì thấy nó không vui. Con kêu xe taxi đi, khi đến chùa thọ Bát tu học, thì con cảm thấy rất buồn. Vậy xin hỏi làm sao cho hai mẹ con đều không mang tội?
Đáp: Nếu Phật tử buồn vì nhờ con chở đến chùa mà nó không vui lòng giúp cho, thì tôi thành thật khuyên Phật tử không nên buồn. Vì Phật tử nhờ mà nó không chở, đôi khi nó có những lý do riêng của nó. Phật tử nên chịu khó tìm hiểu mà cảm thông với tuổi trẻ ở xứ nầy. Nếu nó không chở, Phật tử kêu taxi đi, thì có gì đâu phải buồn và cũng không có gì là mang tội cả.
Nếu Phật tử buồn, thì chỉ thêm thiệt thòi cho mình trong ngày thọ Bát tu học mà thôi. Mục đích phật tử đến chùa tu học là để cho tâm được an tĩnh vui vẻ. Chớ nếu như mang tâm sự buồn phiền thì đâu có lợi ích gì! Cho nên, khi nào mình nhờ con mà nó vui vẻ giúp chở giùm, thì đó là đứa con có hiếu và rất tốt. Vì nó ý thức bổn phận làm con, biết yêu thương tôn kính và đây cũng là dịp tốt để chúng nó báo ân phần nào cho cha mẹ. Còn nếu nó không chở, thì mình nên tự xét, biết đâu vì mình thiếu phước, nên không thể nhờ con được.
Xét như thế, thì mình lại cố gắng tu nhiều hơn. Phật tử nên tìm hiểu: vì sao nó không chở mình? Phật tử có làm gì nó buồn không? Hay là tại vì nó làm việc gì đó mệt nhọc, hoặc thức khuya học hành hay cuối tuần tiệc tùng với bạn bè, nên nó cảm thấy mệt mỏi cần phải ngủ thêm cho đủ sức khỏe. Như thế, thì Phật tử nên thương và cảm thông nhiều hơn, chớ đừng có thái độ trách móc hay la rầy làm mình mất vui mà chúng nó cũng mất vui. Đã mất vui, thì việc đi chùa của Phật tử thật sự không được lợi ích.
Tốt hơn hết, là Phật tử nên khéo léo linh động mà xử sự sao cho việc đi chùa của mình và trong gia đình đều được hòa thuận an vui, như thế, mới xứng đáng là một Phật tử hiểu đạo tu hành và mới cảm hóa được gia đình. Bằng ngược lại, thì sẽ gây thêm sự phiền não cho mình và cho gia đình mà thôi.
Không nên vì một việc nhỏ nhoi như thế, mà làm cho gia đình mất đi hòa khí. Nhứt là tình mẹ con phải bị sứt mẻ. Đôi khi chúng nó còn chê cười mình là chỉ biết đi chùa thôi, chớ thật sự không biết tu hành gì cả. Vì người biết tu là phải luôn sửa đổi tâm tánh, làm thế nào cho phiền não tham, sân, si… càng ngày càng mỏng dần, thì điều đó mới hay và mới thực sự là người biết tu hành.
Tóm lại, nếu phật tử nhờ nó mà nó không chở, phật tử buồn giận nó, thì lòng phật tử bất an. Như vậy, thì chính mình càng thêm phiền não, sự tu hành không được tiến bộ. Còn con của phật tử không phải có tội với Phật mà chỉ có lỗi là làm cho phật tử không vui. Như vậy, tốt hơn hết là mẹ con nên hiểu và thông cảm, thương yêu giúp đỡ cho nhau, thì thật là tốt đẹp biết mấy. Và như thế, thì việc tu hành hay đi chùa của phật tử cũng như bổn phận làm con trả hiếu phần nào cho cha mẹ, cả hai đều được lợi ích thiết thực vậy.
Kính chúc phật tử nên cố gắng an nhẫn tu hành.