;
Đến mùa an cư, chư Tăng Ni khắp nơi phải thu xếp mọi công việc ở chùa mình, cùng vân tập về địa điểm qui định để nhập chúng an cư. Pháp chế An Cư tu học, nếu được đại chúng thực hành đúng mức, dưới sự lãnh đạo của các bậc đạo cao đức trọng với tinh thần lục hòa hợp thanh tịnh của Tăng già, giúp cho mỗi hành giả an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
An cư là một trong các pháp chế trọng yếu để giúp người tu sĩ có thời gian thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo nghiệp trong đời sống tu hành của Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam.
Chữ cư nghĩa là ở, chữ an nghĩa là yên, tức là mọi hành giả thân thì không đi ra khỏi trường hạ, tâm thì chuyên cần theo thời khóa tu học, nương nhờ sự chỉ dạy của bậc đạo cao đức trọng. Chính vì vậy, “an cư”là ở yên một chỗ, chuyên cần tu học, giữ cho thân tâm, thanh tịnh, tĩnh lặng và sáng suốt không bị các duyên trần sai sử. Để giúp cho mỗi hành giả an cư thật sự có lợi ích trong tu học, cần có những quy tắc sau:
1-Khi nghe hiệu lệnh nên có mặt tại địa điểm sinh hoạt cần thiết như Chánh điện, Trai đường, lớp học, niệm Phật và ngồi thiền v.v....
2-Có duyên sự ra khỏi đại giới trường, phải tác bạch giữa đại chúng, nêu rõ lý do.
3-Tiếp khách xin mời vào nhà khách và không tiếp khách trong giờ tu học của Trường Hạ.
4-Tham dự tất cả những buổi tụng kinh, tọa thiền, học giáo lý.
5-Có việc gì cần, xin liên lạc ban lãnh chúng Trường Hạ.
6-Để giữ gìn sức khỏe chung, sau giờ chỉ tịnh xin đại chúng giữ im lặng và nghỉ ngơi trong chánh niệm.
7-Ban lãnh chúng trường hạ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhỡ và làm bậc mô phạm gương mẫu trong các thời khóa nghi lễ mà trường hạ đã đề ra. Muốn cho mọi hành giả học hỏi và tiến tu, trau giồi giới đức thanh tịnh đức Phật vì lòng từ bi chế ra sáu pháp lục hòa kính.
Lục hòa là sáu phương pháp cư xử hòa hợp, thanh tịnh, trong đời sống tập thể, mỗi hành giả an cư cần phải thấu triệt như sau:
Lục là 6, hòa là hòa thuận, vui vẻ với nhau trong mọi công việc của cuộc sống. Lục hòa là sáu phương pháp thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.
Hòa ở đây với mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình.
Sinh hoạt chung một đoàn thể nếu không hòa thuận thì đơn vị đó trước sau gì cũng tan rã, bởi gì không có sự hợp nhất và cảm thông cho nhau. Thế cho nên, chúng ta biết áp dụng tinh thần lục hòa vào trong đời sống hằng ngày, thì con người biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống. Hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể.
1-Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): Nghĩa là cùng ở chung với nhau dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, sống hoà thuận, thương yêu đùm bọc giúp đỡ và san sẻ cho nhau, để làm tròn trách nhiệm công việc được phân công.
Khi đã sống chung và làm việc trong một tổ chức thì phải hòa thuận vui vẻ với nhau, không dùng uy quyền thế lực hay sức mạnh để lấn hiếp mà làm tổn hại cho nhau.
Trong một gia đình nếu là anh em, vợ chồng, con cái, thì phải biết kính trên nhường dưới, trên thuận dưới hòa, cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái biết phép tắc lễ nghi theo thứ tự lớn nhỏ, để mọi thành viên biết tôn trọng và quý kính lẫn nhau.
Nếu là Phật tử, cùng tu học với nhau trong một ngôi chùa, là những người bạn đạo, là đệ tử Phật thì cũng phải vui vẻ hòa thuận với nhau, không được chia phe phái công kích lẫn nhau mà làm ảnh hưởng đến uy tín và thanh danh nhà chùa.
Nếu là đồng bào, cùng chung sống trong một đất nước, thì phải lấy sự đoàn kết dân tộc làm đầu với tinh thần không phân biệt chủng tộc hay màu da sắc áo. Dân gian Việt Nam có câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Sống chung tập thể, hòa thuận, đùm bọc, nhường nhịn nhau trong thâm tình đạo nghĩa. Không cậy thế ỷ quyền mà phế bỏ quy tắc an cư trường hạ.
Tóm lại, đã cùng chung sống với nhau trong một hoàn cảnh, trong một giới hạn nào đó thì ta phải biết sống hòa hợp với nhau để làm tròn trách nhiệm của mỗi người.
2- Khẩu hoà vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái.
Có người thân hòa mà miệng không hòa, ăn thua đủ với nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai nói xấu nhau, tạo ra sự chia rẽ về ý thức hệ nên dễ dẫn đến thù hằn ghét bỏ mà làm tổn hại cho nhau.
Lựa lời mà nói cũng có nghĩa là nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi và không nên nói ra những lời vô bổ mà có thể làm tổn thương cho người khác. Việc thực hiện theo nguyên tắc này có nghĩa là phải biết thận trọng trong sử dụng lời nói, trong chừng mực có thể được phải luôn chọn lựa những cách diễn đạt hòa nhã, êm dịu thay vì là căng thẳng, xúc phạm. Và điều cần thiết là phải tránh hẳn sự tranh cãi hơn thua.
Chính vì thế, thân hòa cùng chung ở chưa phải là đủ, mà Phật dạy cần phải hòa thuận trong giao tiếp và đối nhân xử thế. Nghĩa là chúng ta phải nói lời dịu dàng, hòa nhã với nhau, không được cãi lẫy, gây gỗ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn bạc cho ra lẽ đúng sai, thì tuyệt đối phải dùng lời nói ôn tồn, hòa nhã mà trau đổi với nhau.
3-Ý hoà đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán.
Ý thức hệ là quan trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng nói năng và thân hành động tốt hay xấu. Nếu xét công thì ý đứng đầu, mà kết tội cũng là do ý thức.
Trong một đoàn thể hay một đất nước, nếu không thống nhất một quan điểm sẽ dẫn đến gây chia rẽ và tạo ra sự đối kháng mãnh liệt mà tìm cách hủy diệt lẫn nhau.
Đức Phật đã thấu rõ như thế, nên Ngài dạy chúng ta sống chung với nhau phải có tâm ý vui vẻ hòa hợp và thông cảm cho những suy nghĩ không đồng quan điểm.
Chính vì thế, trước hết phải có sự hòa hợp tâm ý thì sau đó mới có thể cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp. Khi thực hiện theo nguyên tắc này, mọi người trong một tập thể phải có được sự đồng lòng nhất trí mà cùng nhau thực hiện mọi công việc để đạt được kết quả tốt đẹp.
Muốn được tâm ý hòa hợp, chúng ta phải tu hạnh từ bi hỷ xả. Hỷ xả nghĩa là vui vẻ, bỏ qua những lỗi lầm của người khác đã vô tình hoặc cố ý làm cho mình buồn khổ.
Tóm lại, thân miệng ý khi cùng nhau chung ở và làm việc, chúng ta phải vui vẻ sống hòa thuận với nhau để mình và người khác được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
4- Giới hoà đồng tu (giới hòa cùng tu tập): Cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung.
Trong đạo Phật, từ người xuất gia cho đến Phật tử tại gia, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ Ngũ Giới; người xuất gia thiì thọ 10 giới nếu là Sa Di, thọ 250 giới nếu là Tỳ kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ kheo Ni v.v…
Khi mọi người cùng hội họp lại một chỗ, hay cùng tham gia sinh hoạt trong một đoàn thể để tu học, mỗi người tùy theo khả năng của mình mà phát nguyện giữ giới nhằm có cơ hội sống tốt hơn.
Nói rộng ra, trong cuộc sống của chúng ta bất kể là đoàn thể nào đều phải lấy kỷ luật làm đầu. Trong nhà trường, nếu học sinh không giữ kỷ luật chung, ai muốn ra vô thì ra, ai muốn học chơi tùy sở thích thì trường trước sau gì cũng tan rã.
Trong sinh hoạt gia đình Phật tử, mỗi người đều tự ý làm theo suy nghĩ riêng của mình, không tuân thủ người hướng dẫn thì sinh hoạt ấy sớm muộn gì cũng tan rã.
Nói tóm lại, trong một đoàn thể, đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc, thì chúng ta không bao giờ sống chung và hòa hợp với nhau được. Vậy chúng ta muốn sống cùng hòa hợp với nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải tôn trọng và gìn giữ giới luật như nhau.
5-Kiến hoà đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu): cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người.
Trong sự sống chung và cùng làm việc, mỗi người hiểu biết được điều gì tốt đẹp, phải giải bày và hướng dẫn cho nhiều người khác hiểu để họ cùng bắt chước và thực hành theo những gì có ích lợi.
Khi ta khám phá hay phát minh được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì lợi ích cho nhiều người, nếu ta không hướng dẫn cho người khác biết, thì ta trở thành kẻ tham lam, ích kỷ.
Người Phật tử tu học trong thời hiện đại với tam tạng kinh điển và có sự giải thích của nhiều người, nếu chúng ta không có trí tuệ sẽ không phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là phương tiện thiện xão, đâu là cứu cánh.
Trong trường hợp này, nếu người hiểu đúng và biết đúng mà không giải bày quan điểm, ý kiến của mình cho mọi người biết đúng sai thì sẽ dẫn đến tình trạng gây chia rẽ và làm hại cho nhau.
6-Lợi hoà đồng quân (lợi hòa cùng chia): Cùng sống chung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.
Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang v.v…thì phải đem ra chia đều cho nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, mà phải lấy sự công bằng làm trọng theo thứ tự lớn nhỏ.
Trong xã hội sở dĩ có sự bất bình đẳng với nhau dẫn đến đối kháng, phân chia giai cấp, cũng vì không biết lợi hòa đồng quân. Đây chính là điều kiện rất quan trọng để đảm bảo tính hòa hợp của một tập thể, bởi vì khi thực hiện theo nguyên tắc này thì mọi người đều không còn phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể, đều xem rằng mọi giá trị vật chất có được đều là của chung, mọi người phải được chia đều một cách bình đẳng không phân biệt.
Thế gian ai cũng biết thực hành pháp lục hòa kính sẽ giúp cho chúng ta sống có nhân cách đạo đức, nên không bao giờ gây sự chia rẽ, đố kỵ, phân biệt để làm tổn hại cho nhau.
Giúp cho mọi sinh hoạt tập thể được phát triển theo tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thông cảm và biết chia sẻ cho nhau về mọi mặt từ vật chất lẫn tinh thần.
Sáu pháp lục hòa kính tạo sự hòa hợp trong tình đạo vị, xóa tan mọi ngăn cách cao thấp, bè phái trong quá trình tu học mùa an cư kiết hạ. Dùng đức độ để nhiếp phục Tăng chúng, và người lãnh đạo trường hạ cần phải gương mẫu trong mọi thời khóa, để làm kỹ cương cho chúng tu học đúng theo chính pháp Phật-đà. Kỷ luật tự giác, giữ đúng thời khóa, siêng năng tinh tấn, khắc phục mọi trể nãi, biếng nhác, nếu không vượt qua các chướng ngại thì chúng ta chỉ an cư có hình thức.
Trường hạ nào ban lãnh đạo gương mẫu đi đầu trong các thời khóa thì nơi đó ít bị sai phạm, nhờ vậy sự tu học của đại chúng cũng nương theo đó mà thăng tiến theo tinh thần lục hòa. Quy cũ trường hạ mà chỉ áp dụng cho các chú hình đồng, sa di hoặc các tân tỳ kheo, còn các vị lãnh chúng chủ tọa thiếu giới đức hoặc ung dung đi về chùa làm việc riêng ít tham gia vào các nghi lễ trường hạ thì nơi đó chỉ có hình thức an cư mà không có thực chất an cư. Vì sao? Vì các vị chứng minh của trường hạ không đáp ứng được tinh thần lục hòa, chỉ có lãnh đạo trên hình thức chứng minh mà không có thân lãnh đạo, nơi đó sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống tu học của các hành giả an cư. Khi bắt đầu làm lễ an cư trường hạ cho thập phương Tăng trong ba tháng, mọi nhu cầu tứ sự do đàn na tín thí cúng dường đều thuộc về Tăng trường hạ theo tinh thần lục hòa.
An cư là để xây dựng và củng cố nếp sống hòa hợp của tăng đoàn. Tăng đoàn có hòa hợp thì mọi hành giả mới được an lạc thanh tịnh, trong không khí tu học trang nghiêm bền vững và lâu dài.
Một năm Phật dành chín tháng để chúng ta đi giáo hóa, ba tháng an cư tĩnh tâm để trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực. Nếu chúng ta chỉ an cư cho có lệ để trả nợ quỷ thần, thử hỏi một hành giả như thế có xứng đáng làm bậc mô phạm hay không?
Chư Tăng an cư cũng là dịp thuận tiện để cho Phật tử gieo trồng ruộng phước Tam Bảo, cúng dường bốn thứ nhu yếu cần thiết như: cơm nước, y phục, thuốc thang, giường mền nhằm giúp cho chúng Tăng thúc liễm thân tâm trau giồi đạo nghiệp.
Chúng ta là những người tu hành vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho các thiện nam tín nữ nếu không có giới đức, không có hướng dẫn đúng chính pháp thì chùa trở thành tín ngưỡng dân gian, là nơi để cầu xin trong sự mê tín, vô tình ta sẽ phỉ báng lời Phật dạy.
Khi cấm túc an cư chúng ta có cơ hội nuôi dưỡng lại tâm Bồ-đề cho vững. Trong ba tháng an cư, chúng ta ngồi yên để soi sáng lại chính mình kiểm điểm lại thấy điều nào còn kém dỡ, phải sửa đổi và phát huy những gì tốt đẹp.
Và ý nghĩa an cư ở đây không phải chỉ trong ba tháng mà là quanh năm suốt tháng, ta đều an cư. Nếu ta an cư như vậy mới thật sự lợi lạc cho mình và người.
“Vui thay hòa hợp tăng già
Lành thay bốn chúng cùng nhau tu hành’’.
Những lời dạy chân chính của đức Phật có được phát triển và tồn tại bền vững lâu dài hay không, là do nơi bốn chúng vui vẻ đồng tu với nhau trên tinh thần hòa hợp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Đôi lời bộc bạch chân thành, xin gửi đến chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức Tăng Ni một chút tấm lòng nhằm để răn nhắc chính mình nhiều hơn, nhân mùa an cư trường hạ Phật giáo Tỉnh Thanh Hóa năm 2016.